Công khai danh tính 4 doanh nghiệp vi phạm trong sản xuất nước mắm

Thanh Sơn

Chiều 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT chính thức cung cấp danh tính 4 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định.

Một mẫu nước mắm được Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện vi phạm vệ sinh ATTP. Ảnh internet
Một mẫu nước mắm được Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện vi phạm vệ sinh ATTP. Ảnh internet

Trước đó Thanh tra Bộ NN-PTNT đã công bố báo cáo kết quả thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm.

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điều Hương (địa chỉ: ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), đoàn thanh tra phát hiện doanh nghiệp này sử dụng nước bột ngọt Vedan (có vị rất chua), bột soda màu trắng để sản xuất nước hoa cà (nước mắm bán thành phẩm). 

Đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty tạm dừng sản xuất, giữ nguyên hiện trạng số nước hoa cà còn lưu kho và cho niêm phong số hóa chất soda công nghiệp để chờ quyết định giải quyết.

Kết quả, mẫu nước hoa cà tại Công ty Điều Hương có đạm tổng số 35,2g/100ml (độ đạm). Monosodium Glutamate (mì chính): 5,45g/100ml (%). Cảm quan, có mùi chua, màu nâu đen, vẩn đục. Không phát hiện kim loại nặng hoặc kim loại nặng không vượt ngưỡng cho phép.

Đối với Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (địa chỉ tại số 47 Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), theo báo cáo của đại diện công ty thì Công ty đã sử dụng hóa chất soda ash light 99,2%, xuất xứ Trung Quốc để trung hòa acid (khử chua) trong nước bổi cá.

Tại Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (địa chỉ tại Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đoàn thanh tra phát hiện tại khu vực các bể dịch đạm có 1 gian nhà kho chứa 345 bao (loại 50kg/bao) soda ash light - Na2CO3.

Theo kết quả phân tích mẫu nước mắm bán thành phẩm thu giữ được tại 4 cơ sở, chỉ số kim loại nặng của các mẫu không vượt ngưỡng cho phép, do đó cơ quan công an không khởi tố xử lý hình sự mà đề nghị cơ quan thanh tra xử phạt hành chính nghiêm minh.

Còn tại Công ty CP Chế biến thủy sản Liên Thành (địa chỉ tại ấp 4, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), đoàn thanh tra đã phát hiện vi phạm và xử phạt 6 triệu đồng với doanh nghiệp này với hành vi: Tại khu sản xuất nước mắm của Phân xưởng có khu xử lý nước thải bị ứ đọng (cống rãnh ngập nước thải ) không được che kín" 

Thanh tra Bộ NN-PTNT đã ra quyết định xử phạt 4 công ty có vi phạm trên với số tiền là 782 triệu đồng. Đồng thời, buộc 4 công ty chuyển đổi mục đích sử dụng với nước mắm bán thành phẩm vào làm thức ăn cho gia súc (do kết quả kiểm nghiệm an toàn với các chất cấm, kim loại nặng).

Cùng với phạt tiền ở mức kỷ lục, Thanh tra Bộ buộc 4 doanh nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến ra còn nằm lại tại xưởng. Các đơn vị này đã nghiêm túc cam kết thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước và đã chuyển đổi mục đích sản phẩm đã làm ra chuyển chế biến thành thức ăn chăn nuôi dưới sự giám sát của Thanh tra Bộ NN&PTNT và của Thanh tra các Sở NN&PTNT.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, trong năm 2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm tại 4 công ty trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh sử dụng 48 tấn Soda công nghiệp (chuyên dùng để sản xuất xà phòng và chất tẩy rửa vệ sinh) để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm.Các công ty này đã sử dụng dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam hoặc dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối) và soda công nghiệp (Na2CO3) để sản xuất và chế biến nước mắm.

Dịch bột ngọt là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt, có tính axit (pH từ 3-4) với giá thành rất rẻ, tính cả chi phí vận chuyển cũng chỉ có 500 đồng/lít.Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120 kg Na2CO3 để trung hòa axit trong dịch bột ngọt. Đun hỗn hợp này bằng hơi nước trong thời gian 40-50 giờ, sau đó thu được dung dịch 800 lít nồng độ đạm đạt 25-350N.Dung dịch này sau đó được cho chạy qua xác cá ủ chượp - thành phần loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống và cho ra các sản phẩm dịch nước mắm.

Dịch nước mắm này còn gọi là nước hoa cà và được bán với giá 7.000-9.000 đồng/lít cho cơ sở sản xuất nước mắm hoặc tiếp tục được cô đặc và cho thêm phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm) để tạo thành các thành phẩm có độ đạm khác nhau.Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ.