Đánh giá trên mạng: Đáng tin hay không?

QM

Người sử dụng dịch vụ trực tuyến thường hay tham khảo thông tin trước khi quyết định có mua sản phẩm, dịch vụ hay không. Vấn đề là bạn có nên tin hay tin đến mức nào các ý kiến được dư luận đánh giá, nhận định trên mạng?.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chúng ta đều biết, đánh giá sản phẩm, dịch vụ được sử dụng với 2 mục đích: (1) là cho người cần tìm hiểu biết được đặc điểm chung nhất của sản phẩm, dịch vụ. (2) chính là cho nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ biết điểm được, chưa được để phát huy, chỉnh sửa sản phẩm nhằm làm vừa lòng số đông người tiêu dùng, qua đó, tăng thêm doanh số bán hàng.

Ưu điểm khi sử dụng, tham khảo các đánh giá trên mạng

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội tại Việt Nam, việc tiếp cận và sử dụng những phương tiện internet vào đời sống hàng ngày của chúng ta ngày càng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Giả dụ, bạn muốn mua một sản phẩm hay sử dụng 1 dịch vụ, bạn có thể cầm điện thoại lên, vào mạng, và tra cứu về chúng. Ngay tức khắc chúng ta có thể thấy được nhận xét của nhiều người, những người được cho là đã trải nghiệm sản phẩm hay dịch vụ đó.

Qua các nhận xét, bạn biết được tính chất, công năng, ưu nhược điểm, giá cả, địa điểm mua bán… sản phẩm hay dịch vụ một cách tiện lợi, nhanh chóng nhất, từ đó, có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp hơn, dịch vụ tốt hơn hay giá rẻ hơn... (như các trang bình luận du lịch tripadvisor, trang ăn uống foody.vn, các trang “các mẹ ơi” như webtretho, lamchame... ngay cả trang facebook cũng có mục đánh giá các cửa hàng…).

Điều này rất thuận tiện và vô cùng lợi ích cho người tiêu dùng biết sử dụng công nghệ cao, công nghệ trực tuyến.

Nhng hạn chế

Đánh giá không vô tư: Tuy việc tham khảo trên mạng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng lại có những cản trở. Thường thì chúng ta tin vào nguyên tắc đa số mà quên mất tính cạnh tranh của thương trường. Chúng ta tham khảo trên mạng mà không hay biết rắng, trong số những nhận xét, đánh giá về hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, rất nhiều ý kiến đưa lên là thuộc thành phần quảng cáo của các sản phẩm dịch vụ đó, đương nhiên sẽ là những đánh giá hoa mỹ, những quảng bá “trên trời” khiến người mua hoa mắt, không biết đâu là thực đâu là giả.

Chúng ta còn hay tin theo các cá nhân có chút hiểu biết trong lĩnh vực hay có tiếng tăm trên mạng, được nhiều người biết tới, như các blogger, các chuyên gia.., khi họ đưa ra nhận xét thì nhiều người sẽ tin và nghe theo ngay. Tuy vậy, đằng sau đó, không loại trừ vấn đề là các cá nhân đó được thuê để viết bài, nhận xét hưởng thù lao, dù có thể họ chưa thử dùng sản phẩm đó bao giờ (như nhận xét của một số chuyên gia về các sản phẩm mỹ phẩm, thuốc giảm béo, tăng cường sinh lực…).

Tư duy ngược của khách hàng: Khi tham khảo nhận sét về một sản phẩm, dịch vụ thường chúng ta sẽ thấy nhiều ý kiến trái ngược nhau. Do, đối với cùng sản phẩm có người vô cùng yêu thích, có người lại không.

Điều đặc biệt là chúng ta thường hay tin tưởng vào những nhận xét tiêu cực và cho chúng là khách quan, trong khi lại ngờ vực rằng những đánh giá tốt phải chăng đến từ chính bên bán hàng.

Cuối cùng, người tham khảo dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”, rối bời vì không biết nhận xét nào mới chính xác.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Ở các nước Âu - Mỹ ?

Để đánh giá về bất kỳ một sản phẩm nào đó, ở các nước phát triển đã có những trang cá nhân và tổ chức làm việc chuyên nghiệp với hợp đồng cụ thể, đưa ra nhận xét theo yêu cầu của đối tác (có thẩm định, kiểm định theo quy chuẩn, pháp luật... rõ ràng).

Với khách hàng, thông qua các trang quảng cáo chuyên nghiệp, khách hàng có thể tham khảo, kiểm chứng tận mắt việc sử dụng và tác dụng của sản phẩm, dịch vụ mới. Các trang quảng cáo này phải có giấy phép hoạt động , phải tuân theo các quy định nghiêm túc trong quảng bá. Chính vì vậy, theo tổng kết, người tiêu dùng sử dụng hàng hóa dịch vụ có chỉ số tỷ lệ thuận với thời lượng và chất lượng quảng cáo.

Các trang bán hàng trực tuyến cũng có khu vực dành cho người mua hàng đánh giá. Nhưng một số trang bán hàng trực tuyến của nước ngoài chỉ cho phép người có giao dịch đã hoàn thành được để lại đánh giá, bình luận. Điều này đảm bảo sự trung thực, khách quan của đánh giá về chất lượng và giá trị hàng hóa của người cung cấp.

Ở Việt Nam ?

Nhận định từ quảng cáo: Nhiều quảng cáo ở ta có tính chất bốc đồng, xa hoặc sai sự thật. Có quảng cáo còn có tính phản cảm, sai về nội dung quy cách, công dụng, chất lượng, giá cả… làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng. Đơn cử như quảng cáo “Rocket và Rocket 1h” đang bị nhiều người cho đây là một quảng cáo “thô thiển"; hay quảng cáo “Nam thận bảo” giúp “một người khỏe, hai người vui" trên truyền hình, nhiều khán giả phản ánh sản phẩm này thực chất được nhập từ Trung Quốc, không có tác dụng thần diệu như quảng cáo, vừa qua quảng cáo này đã bị Quốc hội nhắc nhở; hoặc các quảng cáo về bệ cẩu, băng vệ sinh phát vào giờ cơm tối khiến người xem bất bình… Đây chính là câu chuyện thiếu chuyên nghiệp của ngành quảng cáo ở nước ta, không phát huy được tính năng của quảng cáo, còn “lợi bất cập hại”…

Nhận định từ việc quảng bá bằng truyền miệng hay còn gọi là “rỉ tai”. Hiện đây vẫn là hình thức, là cách nhanh nhất để truyền bá cho dịch vụ, sản phẩm hay thậm chí hình ảnh của một cá nhân ở ta. Hình thức này nhận được sự tin cậy vì nó có vẻ “người thật việc thật”, đưa thông tin là người nhà bạn, là người thân quen của bạn… và câu chuyện của họ có vẻ mang tính trải nghiệm cao. Người nhận thông tin không biết rằng, những nhận xét đánh giá này hoàn toàn mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng.

Cần biết chọn lọc: Bất kể thông tin đến từ đâu, từ quảng cáo, từ nhận xét đánh giá trên mạng hay truyền miệng; dù mức độ tin cậy thế nào thì đối với mỗi vấn đề trong cuộc sống, từng cá nhân lại có cách nhận định khác nhau. Đặc biệt, khi chúng ta nhờ cậy đến internet để xem xét một đối tượng nào đó (sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí một con người), hãy ghi nhớ rằng, chúng chỉ có tính tham khảo. Các cụ có câu “Trăm nghe không bằng một thấy” chỉ có trải nghiệm cá nhân mới mang đến nhận định chính xác nhất cho bạn và cho mọi người.

Để thông tin có độ tin cậy cao, các doanh nghiệp quảng cáo hãy hoàn thiện nghiệp vụ để trở nên chuyên nghiệp. Và, đến lượt mình, người tiêu dùng hãy trở nên văn mình hơn, thông thái hơn, biết nhận xét có ý thức, khách quan hơn. Cả hai điều này sẽ tác động tích cực, có lợi cho toàn cộng đồng xã hội, trong đó, cả người cung cấp sản phẩm, dịch vụ và người tiêu dùng đều cùng được hưởng thực lợi.

Suy cho cùng, doanh nghiệp bỏ tiền ra để quảng cáo phải làm sao thu được hiệu suất lợi nhuận cao và người dân khi mua sản phẩm hàng hóa dịch vụ cũng không bị mất mát vì không hiểu biết.