Format và Tokyolife nhập nhèm thương hiệu của Nhật khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn

Theo Bùi Ngọc/thuongtruong.vn

Nhãn hàng Tokyolife tại Việt Nam không phải là một chi nhánh, đồng thời cũng không có mối liên hệ nào với Tokyolife Nhật Bản như nhiều người tiêu dùng vẫn nhầm tưởng. Trước đó nhiều sản phẩm Format dù được gán nhãn hàng Nhật nhưng lại không tồn tại trên thực tế khiến người tiêu dùng hoang mang.

Một cửa hàng của Tokyolife tại Hà Nội.
Một cửa hàng của Tokyolife tại Hà Nội.

Trên trang web tokyolife.vn, giới thiệu: “TokyoLife là cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, phụ kiện chính hãng các thương hiệu Nhật Bản: KAI, Inomata, Ebisu, Lec, Seria, Merries, Glico, Aprica, Kose (Dòng Softymo) , Shiseido (Dòng Senka, Anesa), KAO, Rosette, Naive, Ebisu, Unicharm, Cocopalm, Himawari, Rocket, Gunze-Sabrina, Regart... Phụ kiện giày, túi, ví, balo và thời trang hiệu TokyoLife, TokyoBasic, In The Now và nhiều thương hiệu thời trang, phụ kiện khác sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan…”

Tuy nhiên theo tìm hiểu trên thực tế, tên của thương hiệu này chính xác là “Toky.life” chứ không phải Tokyolife. Việc sử dụng cụm từ gần giống với một thương hiệu tại Nhật Bản có tên TokyoLife, địa chỉ website tokyolife.co.jp khiến không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn đây là chi nhánh, hệ thống phân phối của Tokyolife tại xứ sở hoa Anh Đào.

Nên biết, nhãn hàng Toky.life và Format Việt Nam cùng chung một chủ sở hữu. Trước đó, báo chí đã “khui” ra sự nhập nhèm, sai thông tin trên nhãn chính của sản phẩm áo lót tàng hình có mã vạch “B9BRA001B" được Format Việt Nam bày bán tại showroom.

Theo đó nhãn chính của sản phẩm trên được giới thiệu là nhập khẩu từ Tokyo, Nhật Bản với địa chỉ trang web fomat.co.jp.

Điều này có nghĩa fomat.co.jp phải là trang thương mại điện tử của Format Nhật Bản, với ngôn ngữ tiếng Nhật. Tuy nhiên khi truy cập theo địa chỉ này, người dùng lại được đưa tới trang web ngôn ngữ hoàn toàn là tiếng Việt của chính Format Việt Nam.

Như vậy thông tin trên nhãn chính của sản phẩm được Format Việt Nam giới thiệu là nhập khẩu tại Nhật Bản không hề tồn tại trên thực tế, không có thật. Nói một cách dễ hiểu, thì thông tin trên nhãn chính sản phẩm do Format Việt Nam bán ra không có xuất xứ từ Format Nhật Bản mà của một nơi khác. Sự mâu thuẫn giữa thông tin nhãn chính hàng nhập khẩu của Format và thực tế khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại, hoang mang về nguồn gốc thật sự của sản phẩm này. 

Trên thực tế, việc các thương hiệu “na ná” nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng bày bán các sản phẩm chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam không phải là chuyện mới. Đơn cử như thương hiệu Mumuso từng dính nghi án nhái thương hiệu Hàn Quốc bất chấp sản phẩm có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc.

Một thương hiệu khác là Miniso cũng đối mặt với những nghi ngờ của người tiêu dùng khi bị cho là "hàng Trung Quốc trá hình thương hiệu Nhật Bản". Tên thương hiệu hao hao giống nhau khiến nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn.