Khám phá cảnh đẹp Si Ma Cai - nét văn hóa độc đáo

Theo TTXVN

Trên địa bàn huyện Si Ma Cai có nhiều thắng cảnh đẹp cùng nhiều lễ hội, chợ phiên đặc trưng của các dân tộc H’Mông, Thu Lao, Nùng… đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

“Si” là cách nói tắt của người dân Lào Cai khi nhắc đến Si Ma Cai – một huyện nằm ở phía Đông Bắc Lào Cai.

Những vạt đồi trải đầy hoa tam giác mạch tím hồng quyến rũ (ảnh dulich24.vn)
Những vạt đồi trải đầy hoa tam giác mạch tím hồng quyến rũ (ảnh dulich24.vn)

Phong cảnh đẹp, nhiều nét văn hóa độc đáo

Si Ma Cai nằm trên thượng nguồn sông Chảy, có nhiều phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành. Vùng đất này được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá vôi, đá tai mèo trùng điệp, hùng vĩ. Si Ma Cai giờ đây không còn quá xa xôi vì đã có con đường bê tông được trải nhựa, rút ngắn thời gian hành trình.

Đến với Si Ma Cai, du khách không những được khám phá, tìm hiểu thắng cảnh, thiên nhiên đa dạng mà còn được hòa mình vào cuộc sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây.

Từ cao nguyên trắng Bắc Hà, ngược lên chưa đầy 10 km, du khách có thể đến xã Lử Thẩn – cửa ngõ của Si Ma Cai với những cánh đồng hoa tam giác mạch tím hồng trải dài trên các sườn đồi.

Màu xanh của cây lá hòa quyện với màu xanh của núi rừng cùng sắc tím của hoa tam giác mạch làm nên một khung cảnh tuyệt đẹp, tạo cho du khách một cảm giác thật thư thái …!

Si Ma Cai còn nổi tiếng với những rừng đá xám ở xã Sán Chải, Quan Thần Sán, Thào Chư Phìn bồng bềnh ẩn hiện trong mây, mây và gió cứ len lỏi ôm ấp lấy những rừng đá giữa không gian hùng vĩ.

Những thửa ruộng bậc thang cũng là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp nao lòng ở vùng đất Si Ma Cai. Tới xã Sín Chéng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ruộng bậc thang bờ nối bờ từ trên cao xuống thấp uốn lượn.

Cùng với thiên nhiên, điều làm nên sự hấp dẫn của Si Ma Cai chính là bản sắc văn hóa dân tộc. Si Ma Cai có các làng văn hóa độc đáo như Cán Chư Sử, Bản Giáng, Say Sán Phìn. Đồng bào các dân tộc Thu Lao, Nùng, H’Mông, Tày… có trang phục, phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở mang bản sắc riêng. Đặc biệt người Mông Hoa ở Si Ma Cai còn lưu giữ được những ngôi nhà trình tường theo kiến trúc kết cấu hai tầng bề thế, hoa văn vô cùng độc đáo.

Đến xã Thào Chư Phìn, Nàn Sín thuộc huyện  Si Ma Cai, du khách sẽ được khám phá những rừng sa mộc tít tắp, đâu đó vang lên tiếng sáo trữ tình, tiếng chim hót líu lo. Xuôi về khu vực bờ sông Chảy ở xã Bản Mế là nơi có phong cảnh nên thơ, từ đây du khách có thể xuôi theo lòng hồ sông Chảy xuống Cốc Ly (huyện Bắc Hà) ngắm thung lũng mênh mông sâu hút, thăm thẳm.

Chợ Cán Cấu- nét đẹp Si Ma Cai (ảnh sapa-tour.net)
Chợ Cán Cấu- nét đẹp Si Ma Cai (ảnh sapa-tour.net)

Điểm nhấn khi đi du lịch đến Si Ma Cai đó là du lịch chợ phiên với những sản vật do chính đồng bào dân tộc địa phương làm ra. Vào thứ 4 hàng tuần, ghé vào chợ Sín Chéng du khách sẽ được chứng kiến không gian văn hóa rực rỡ sắc màu thổ cẩm của dân tộc Mông ở các gian hàng thổ cẩm. Bên cạnh đó du khách có thể thưởng thức những món ăn hấp dẫn, mới lạ từ loài vịt Sín Chéng nổi tiếng khắp vùng Si Ma Cai.

Ghé qua chợ Cán Cấu mỗi thứ 7 hàng tuần, du khách như lạc vào một không gian văn hóa khác với đầy đủ sắc màu. Chợ Trâu Cán Cấu ở vùng đất này cũng được mệnh danh là “Sàn giao dịch trâu” lớn nhất của cả vùng Tây Bắc.

Để du lịch phát triển tương xứng tiềm năng

Theo thống kê, trong 8 tháng của năm 2017, Si Ma Cai đón khoảng 15.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Lượng khách tập trung ở các điểm như Cán Cấu, Sín Chéng, Bản Mế. Mặc dù lượng khách trong và ngoài nước đến huyện Si Ma Cai có tăng nhưng xét trên tổng thể, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Si Ma Cai.

Có nhiều yếu tố cản trở sự phát triển của du lịch Si Ma Cai nhưng chủ yếu vẫn là hạ tầng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch. Hiện, toàn huyện Si Ma Cai mới có 2 cơ sở lưu trú với hơn 20 phòng, dịch vụ homestay chưa phát triển, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, các làng văn hóa, điểm du lịch chưa được đầu tư để tạo điểm nhấn thu hút khách đến tham quan. Nhiều du khách khi đến Si Ma Cai không tìm được phòng lưu trú, phải ở tạm các nhà dân với điều kiện ăn, ở, vệ sinh chưa đảm bảo.

Lần đầu tiên đến Si Ma Cai, anh Nguyễn Văn Bách (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với sự hoang sơ của những phiên chợ, con người nơi đây dễ gần, mến khách. Nhưng điều làm tôi chưa thực sự hài lòng là cơ sở vật chất phục vụ lưu trú còn quá ít, quán ăn chưa đa dạng. Lên du lịch ở Si Ma Cai, tôi không đặt được phòng nghỉ nên đành chọn phương án tham quan trong ngày, tối về Bắc Hà nghỉ, hôm sau lại quay trở lại Si Ma Cai dù biết như vậy là mất thêm nhiều thời gian.

Ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương là điều đang được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân quan tâm. Huyện đã tích cực triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nhưng du lịch vẫn chưa đem lại nguồn thu lớn cho địa phương.

Ruộng bậc thang và rừng sa mộc – nét riêng của đất trời Si Ma Cai (ảnh giadinh.net.vn)
Ruộng bậc thang và rừng sa mộc – nét riêng của đất trời Si Ma Cai (ảnh giadinh.net.vn)

Thời gian tới, để phát triển du lịch một cách hiệu quả xứng với tiềm năng, thế mạnh, Si Ma Cai cần có cú hích mang tính đột phá. Huyện Si Ma Cai đang hướng tới xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch với mục tiêu phát triển du lịch huyện Si Ma Cai trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng.

Huyện đã xây dựng đề án về phát triển du lịch Si Ma Cai giai đoạn 2016-2020, ngoài phát triển tuyến du lịch đã được công nhận trên địa bàn (tuyến Bắc Hà – Cán Cấu – Si Ma Cai – Bản Mế – Cốc Ly – Lào Cai), huyện tiếp tục rà soát các tuyến điểm có tiềm năng du lịch để đưa vào quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch.

Xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Si Ma Cai là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, huyện cũng tập trung phát triển du lịch tại các thôn, bản còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như chợ phiên, trồng hoa tam giác mạch, khám phá sông Chảy và du lịch hang động; đồng thời, xây dựng các làng văn hóa tiêu biểu, bảo tồn các nghề thủ công truyền thống như thêu dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, đúc và các lễ hội truyền thống như lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng của dân tộc Nùng…

Cùng với đó, huyện vận động nhân dân tham gia trồng và chế biến các sản phẩm từ cây hoa tam thất, tam giác mạch để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Si Ma Cai.

Ngoài ra, huyện Si Ma Cai đang tích cực kêu gọi đầu tư; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, mạnh dạn tham gia làm du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập.

Với những giải pháp trên, trong tương lai du lịch huyện Si Ma Cai sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương và để Si Ma Cai trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.