Người dân Việt chi tiêu ngày càng nhiều cho thực phẩm, thức uống dinh dưỡng

Theo thoibaonganhang.vn

Kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, thị trường các ngành hàng dinh dưỡng cho tiêu dùng tại nhà đạt mức tăng trung bình 10%/năm trong 5 năm qua, và được dự đoán sẽ đạt đến 6 tỷ USD vào năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo khảo sát, trung bình một hộ gia đình Việt chi hơn 3% trong tổng thu nhập mỗi tháng, cho các loại thực phẩm, thức uống dinh dưỡng tại nhà.

Cứ mỗi năm, các hộ gia đình ở thành thị lại tăng chi thêm 10% cho ngành hàng này và ở nông thôn, chi tiêu cho lĩnh vực này cũng đang tăng tốc do người dân đã có ý thức hơn đến bảo vệ sức khỏe. Điều này cho thấy, còn nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa đối với các doanh nghiệp (DN) thực phẩm và thức uống dinh dưỡng tại thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, có rất nhiều ngành hàng dinh dưỡng tăng trưởng tốt liên tục trong vòng 5 năm qua, đặc biệt như sữa bột pha sẵn cho trẻ em, bánh quy, bánh mềm, sữa đậu nành và sữa chua uống. Hiện nay, có đến 74% hộ gia đình thành thị và 65% hộ gia đình nông thôn ưu tiên mua các loại thức uống không đường hoặc ít đường.
Xu hướng này sẽ chuyển thành cơ hội, nếu các DN có thể tạo ra những chủng loại sản phẩm mới, tốt hơn cho sức khỏe. Đặc biệt, các sản phẩm dinh dưỡng được đón nhận nhiều hơn ở tất cả các nhóm tuổi, chứ không còn là dành riêng cho trẻ em. Vì vậy, DN sản xuất thực phẩm cần làm mới sản phẩm của mình và sẵn sàng tiếp cận những nhu cầu ở nhiều nhóm tuổi.

Trong đó, nhóm dân số trên 50 tuổi đang tăng qua các năm và ước tính sẽ chiếm 22% tổng dân số Việt Nam vào năm 2020. Việc hỗ trợ nhóm này tự chăm sóc bản thân, cũng như cung cấp các giải pháp cho con cháu họ thể hiện sự quan tâm, chăm lo là một chiến lược khả thi để đầu tư dài hạn.

Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm nhắm đến nhóm tuổi này chưa nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng dinh dưỡng ở nhóm tuổi này đang tăng nhanh. Đây sẽ là phân khúc tiềm năng cho các DN thực phẩm và thức uống. Ở nhóm trẻ em, mặc dù thị trường thức uống dinh dưỡng ở phân khúc này gần như đã bão hòa, với hơn 90% trẻ có uống ít nhất một loại thức uống dinh dưỡng/1 tuần và trung bình 1 tuần uống hơn 10 lần.

Nhưng đây hiện là phân khúc quan trọng nhất, bởi lượng tiêu thụ của một hộ gia đình có trẻ em thường có xu hướng tăng cao. Hơn nữa, cơ hội còn nằm ở chỗ càng ít trẻ trong một gia đình, thì ba mẹ sẽ càng có nhiều khả năng đầu tư cho con hơn. Theo đó, việc phát triển sản phẩm ở phân khúc này sẽ là tạo ra tăng trưởng về mặt giá trị thay vì về sản lượng.

Ông David Anjoubault, Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, người tiêu dùng Việt hiện nay muốn ăn ngon, dùng những thứ tiện lợi và mua những sản phẩm chất lượng cao. Sức khỏe luôn là mối quan tâm hàng đầu và người tiêu dùng ngày nay rất coi trọng chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phòng tránh dịch bệnh.

Đặc biệt, người mua sẽ ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên, tốt cho sức khỏe (sản phẩm hữu cơ, không chất bảo quản và biến đổi gen) và sẵn sàng trả với mức giá cao hơn. Và có thể thấy, đây là điều đang được hầu hết doanh nghiệp thực phẩm Việt hướng đến.