Những loại đồ khô dùng nhiều dịp Tết dễ bị "tắm" hóa chất

Theo doisongphapluat.com

Dưới đây là 2 loại đồ khô dùng nhiều trong dịp Tết nhưng lại dễ bị “tắm” hóa chất nhất mà người tiêu dùng nên biết.

Măng khô là một sản phẩm thực phẩm đặc sản truyền thống thường được sử dụng nhiều trong dịp tết.
Măng khô là một sản phẩm thực phẩm đặc sản truyền thống thường được sử dụng nhiều trong dịp tết.

Măng khô

Măng khô là một sản phẩm thực phẩm đặc sản truyền thống thường được sử dụng nhiều trong dịp tết và trong thực đơn các bữa tiệc.

Theo ThS. Cao Văn Trung, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm măng khô, măng tươi trên phạm vi cả nước đã phát hiện nhiều mẫu măng khô có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Lưu huỳnh (người dân thường gọi là diêm sinh) thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn đánh lừa người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, hàm lượng lưu huỳnh trong chế biến và bảo quản thực phẩm không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm. Nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Nếu cấp tính, thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực…hoặc lưu huỳnh số lượng lớn, sử dụng ở nồng độ cao nó sẽ phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axit Sunfurơ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận…

Còn tại Việt Nam lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử dụng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, để bảo quản được măng lâu, nhiều người vẫn cố tình sử dụng lưu huỳnh để bảo quản măng.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trên thực tế, với các loại măng khô, mộc nhĩ, nấm hương... người dân hoàn toàn có thể phơi khô, tuy nhiên việc bảo quản sản phẩm khô, không ẩm mốc là không đơn giản. Nếu trường hợp sản phẩm không được lưu trữ trong các dụng cụ chứa đựng đảm bảo độ ẩm dưới 10% thì rất dễ ẩm mốc, sản sinh ra nhiều độc tố nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Do vậy, phần lớn đã sử dụng biện pháp khử trùng, chống nấm mốc trên các sản phẩm này bằng cách xông lưu huỳnh”.

Chọn măng an toàn như thế nào?

Nguyên liệu măng truyền thống thường là măng nứa, tre, vầu được khai thác hầu hết từ các tỉnh miền núi, trung du chủ yếu được khai thác quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 7,8,9 trong năm do người dân vào rừng khai thác măng sau đó để tươi, luộc lên (măng chua) hoặc phơi khô lên để bán cho các chủ thu mua tùy theo mục đích sử dụng mà người ta có thể bảo quản bằng cách (ngâm nước), phơi khô hoặc sấy (măng sợi, măng khô) để bán cho người sử dụng. Vậy làm thế nào để nhận biết được sản phẩm măng truyền thống không chứa lưu huỳnh hoặc chất bảo quản độc hại?

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực an toàn thực phẩm khuyến cáo cách lựa chọn, sử dụng, chế biến măng đảm bảo an toàn đó là:

– Măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.

– Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

– Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của Măng ngâm lưu huỳnh khi ngửi sẽ có mùi SO2 rất đặc trưng.SO2 (mùi diêm sinh).

– Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.

– Không nên mua măng có màu sắc khác thường.

– Hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch thông thường.

– Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Miến

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại miến, miến trắng trong, miến vàng ruộm, miến xám… Người tiêu dùng thường chọn mua miến có màu vàng ruộm hoặc hơi xám vì họ cho rằng như thế mới là miến mộc (không tẩy).

Thế nhưng, đó chỉ là vỏ bọc mà những người thợ tạo cho những sợi miến có độ tin cậy. Đằng sau nó là nỗi kinh hoàng về công đoạn “nhuộm màu” cho miến bằng hóa chất cực độc..

Theo người trong nghề, người tiêu dùng thích màu gì, người làm miến cũng làm được màu ấy. Người tiêu dùng mỗi vùng lại chuộng một loại miến có màu khác nhau, nên bây giờ các cơ sở sản xuất còn thêm công đoạn làm màu.

Ví như người miền Nam thì thích sợi miến có màu trắng trong, do đó, chỉ cần tẩy bột thật kỹ, miến càng trắng thì thuốc tẩy càng nhiều. Nhưng người miền Bắc lại thích có màu vàng ruộm, hoặc hơi xám vì họ cho rằng như thế mới là miến mộc, không tẩy. Để có được những mẻ hàng màu đẹp như yêu cầu, bột sau khi tẩy xong sẽ được pha màu bằng nước hàng hoặc chất tạo màu.

Để “nhuộm màu” cho miến đẹp, nhiều làng nghề sử dụng bột sắt. Bột sắt đem pha loãng với nước rồi ngâm trực tiếp vào miến khoảng 3 giờ đồng hồ, miến sẽ có màu vàng rất bắt mắt.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa) cho biết, bột sắt hay còn gọi là ô xít sắt được sản xuất ở dạng tinh chế vẫn được dùng trong thực phẩm. Khi được tinh chế tinh khiết thì bột sắt sẽ không độc hại. Tuy nhiên, có một nhóm ô xít sắt được tinh chế ở mức độ rất thấp thì không được sử dụng làm bột màu thực phẩm. Loại này thường sử dụng làm vật liệu xây dựng như sơn chống rỉ, gạch men… Hai loại bột sắt sử dụng trong thực phẩm và công nghiệp khác nhau là ở độ tinh khiết.

Bột sắt dùng để “nhuộm” miến có độ tinh khiết thấp, chứa nhiều kim loại độc như chì, thủy ngân hoặc những tạp chất độc hại. Đây là những chất độc, khó kiểm soát và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chẳng hạn, kim loại chì khi nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu làm tổn thương gan, thận…Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ nhiễm độc càng cao, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi do hệ thần kinh còn non yếu, khả năng thải độc chất chưa hoàn chỉnh.

Theo TS Đặng Chí Hiền (Viện Hóa học TPHCM) tiếp xúc thường xuyên với bột sắt người dùng sẽ dễ bị viêm da, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận. Cơ thể hấp thụ một lượng lớn có thể gây ra ngộ độc cấp tính với các triệu chứng như đau bụng, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ rồi lịm dần.

“Những loại có màu thì không biết là họ cho loại màu như thế nào mới nguy hiểm. Để đảm bảo, mọi người nên chọn loại miến trắng. Bởi việc tẩy trắng là có cơ sở khoa học. Chất dùng để tẩy miến thường là sunfit natri, sunfit kali. Trong quá trình làm miến, người ta thường dùng tinh thể sunfit natri là chất khử mạnh để làm sạch chất màu. Sở dĩ phải tẩy vì miến thường làm từ củ dong riềng có màu trắng đục. Trong quá trình sản xuất, do xay lẫn cả vỏ và củ nên sản phẩm không trắng… Nếu rửa sạch nhiều lần bằng nước sau khi dùng chất tẩy thì ăn miến đó vẫn an toàn”, TS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn.

Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, điều đáng lo ngại là việc sử dụng chất màu vàng cho vào để “đẹp” miến, trong khi chất này không kiểm soát được. Miến có màu vàng có khả năng người ta cho bột sắt vào. Nguy hại hơn rất nhiều là loại miến có màu trắng đục. “Nếu bình thường họ cho bột sắt màu đen vào thì không có vấn đề gì nhưng hiện nay người ta nghi ngờ rằng nhiều khả năng một số nơi cho dầu thải máy vào. Loại dầu máy thải chỉ cần cho một chút vào là có màu đục đục như vậy. Nó không tạo vị gì nhưng lại rất nguy hại”, TS Thịnh nói.

Theo các chuyên gia, do rất khó phân biệt miến độc bằng mùi vị nên nếu thấy những loại miến bóng đẹp bất thường thì không nên mua. Khi chế biến nên rửa sạch miến vài nước hoặc qua nước muối loãng. Điều này sẽ giúp các thành phần hóa chất, chất bảo quản phân hủy, giảm nguy cơ độc hại. Khi mua cũng cần chọn những loại miến có cơ sản xuất có uy tín, có tên, địa chỉ cụ thể.

Các đồ khô khác

Cũng theo lời ông Thịnh, không chỉ với măng khô, nấm hương, mộc nhĩ mà ngay cả với các loại quả sấy khô cũng được người sản xuất sử dụng biện pháp xông lưu huỳnh để khử khuẩn với một lượng cho phép. Bởi lợi thế khi xông lưu huỳnh, khí này có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách của sản vật, tăng diện tích khử khuẩn.

Theo các chuyên gia, với mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày, không có đốm đen hay đỏ. Khi mua, dùng tay nắm vài cái, sau khi bỏ tay ra, viền mộc nhĩ có tính đàn hồi nhanh chóng duỗi ra, đó là loại mộc nhĩ tốt; Với nấm nên chọn nấm “cúc áo” dầy, khô, có cánh nhỏ, đường kính nấm từ 1 – 1,5cm, cúp chặt, chân nấm nhỏ và ngắn. Chỉ nên mua các sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Có thể nói, dù chỉ xông ở dạng khí nhưng lưu huỳnh có thể vẫn còn lưu lại trên các sản phẩm”, ông Thịnh cho hay. Bên cạnh đó, khí lưu huỳnh sản sinh ra trong quá trình đốt rất độc hại, nếu thường xuyên trực tiếp hít phải khí này có thể gây ra tình trạng mờ mắt, viêm tai, viêm mũi... Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thịnh, những sản phẩm sau khi xông lưu huỳnh chỉ thực sự có hại khi nó được người tiêu dùng sử dụng trực tiếp.

Còn với các loại măng khô, nấm hương, mộc nhĩ này nếu có xông lưu huỳnh, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng. “Bởi lưu huỳnh hoàn toàn có thể tan trong nước hoặc bay hơi vì vậy để loại bỏ dư chất lưu huỳnh có trong sản phẩm này, người dùng cần ngâm, rửa sạch, sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước vo gạo (ngâm thời gian khoảng một đêm). Luộc măng thay nước 2 - 3 lần (mỗi lần 30 phút) và nên mở nắp khi luộc”, ông Thịnh cho hay.

Ông Thịnh cũng lưu ý: “Nguy hại của việc xông lưu huỳnh thường ảnh hưởng trực tiếp đến người thực hiện nếu xông không đúng kỹ thuật. Đồng thời, người tiêu dùng cũng rất dễ nhận dạng ra những sản phẩm có xông lưu huỳnh quá lượng bởi khi đó sản phẩm sẽ có mùi khét rất đặc trưng của lưu huỳnh”.