Những sự cố phát sinh khi vay tiền ngân hàng

Theo vnexpress.net

Tình huống dở khóc dở cười thường phát sinh khi khách vay đã hoàn tất hầu hết các thủ tục, chỉ còn chờ giải ngân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không được giải ngân bằng tiền mặt

Anh Mạnh, quận 2, TP HCM cần vay ngân hàng 300 triệu đồng để sửa chữa nhà đang xuống cấp. Hồ sơ, thủ tục đều thuận lợi ngay từ khi tiếp cận ngân hàng, đến lúc chuẩn bị nhận tiền thì xảy ra sự cố. Ngân hàng không cho vợ chồng anh đến nhận tiền mặt mà yêu cầu khi nào cần thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc sửa nhà ngân hàng sẽ chi trả thẳng cho đơn vị thi công, hoặc đại lý vật liệu xây dựng.

Vợ chồng anh không đồng ý với cách giải quyết này, vì cho rằng nếu là vay mua nhà hoặc xe thì ngân hàng có thể chuyển khoản thẳng cho bên bán. Còn đằng này, anh sửa chữa nhà sẽ có rất nhiều khoản chi phí phát sinh lắt nhắt và không phải lúc nào cũng có thể trả bằng chuyển khoản. "Đây là quy định nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt, nhưng nếu trả công thợ, hoặc mua vật tư tại các cửa hàng nhỏ không có tài khoản thì lấy đâu mà ngân hàng chuyển cho họ", anh chia sẻ.

Vợ chồng anh Mạnh định sẽ bỏ kế hoạch vay này nếu ngân hàng không "du di". Sau vài lần thương thảo, cuối cùng ngân hàng cũng đồng ý giải ngân tiền mặt cho anh, nhưng với số tiền khiêm tốn vài chục đến dưới 100 triệu đồng mỗi lần, và mỗi lần cách nhau một đến 2 tuần.

Phía ngân hàng giải thích, có yêu cầu này là do vướng quy định về giải ngân vốn tín dụng theo Thông tư số 09/2012 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2012. Theo đó, các trường hợp giải ngân vốn bằng tiền mặt cho khách hàng vay (để bù đắp phần vốn tự có, trả lương cho người lao động...) thì số tiền được chi là dưới 100 triệu đồng cho một lần giải ngân.

Một chuyên gia tài chính cho hay, đây là giải pháp góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước đã quy định hạn mức các trường hợp giải ngân vốn tín dụng bằng tiền mặt. Đây là động thái cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, theo ông trong bối cảnh Việt Nam còn dùng tiền mặt lớn thì điều này ít nhiều làm hạn chế việc vay vốn của khách hàng phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng.

Bị ép mua bảo hiểm

Chị Lan, nhân viên một công ty may mặc có nhu cầu vay 500 triệu đồng tại một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối để mua nhà. Đến lúc chờ giải ngân, chị được nhân viên tín dụng yêu cầu phải mua bảo hiểm cháy nổ cho ngôi nhà. Với gói vay 500 triệu này, chị Lan phải mua phí bảo hiểm là 1,5 triệu đồng, tương đương 0,3%.

"Tôi khá bất ngờ với khoản phát sinh này và cảm thấy không hài lòng. Nhưng vì đã lỡ đặt cọc tiền mua nhà và mất bao nhiêu công sức cho việc làm thủ tục, giấy tờ nên không vì khoản bảo hiểm này mà dừng lại nên đành phải mua", chị nói.

Nhiều ngân hàng khác hiện nay cũng đưa ra quy định người vay tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai phải mua bảo hiểm cháy nổ hằng năm và đây là một trong những điều kiện để được vay vốn. Thậm chí có ngân hàng còn quy định trường hợp người vay chỉ mua bảo hiểm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo nếu không mua, ngân hàng sẽ ngưng giải ngân khi khách hàng đến hạn thanh toán tiền mua căn hộ theo từng đợt.

Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, gói bảo hiểm mà họ đưa ra chỉ mang tính chất "giới thiệu sản phẩm", khách hàng có quyền quyết định việc mua hay không mua bảo hiểm. Như vậy, việc mua bảo hiểm đối với khoản vay chỉ mang tính khuyến khích, do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận chứ ngân hàng không được "ép buộc" khách vay phải mua.

Bất đồng về khoản phí, phạt

Từ khi tiếp cận nhân viên ngân hàng đến khi hồ sơ gần hoàn tất, anh Thanh Hùng, quận Bình Tân, TP HCM không hề nghe nói gì đến các khoản phí, phạt cho khoản tiền vay gần một tỷ đồng. Đến khi đã đặt bút ký hợp đồng và chuẩn bị giải ngân thì anh mới biết mình phải chịu hàng loạt khoản phí như thẩm định tài sản đảm bảo, phí công chứng,thậm chí còn có cả phí hoa hồng... lên tới trên 7 triệu đồng, nên anh thấy rất khó chịu.

Bên cạnh đó, anh còn được ngân hàng thông báo phí phạt lên đến 2% trên dư nợ còn lại khi trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ quá hạn. "Tại sao ngay từ đầu, nhân viên ngân hàng không chịu thông báo trước để tôi tính toán, cân nhắc và chuẩn bị tâm lý để không cảm thấy bị bất ngờ và sốc khi mọi chuyện dường như đã vào tình huống chuyện đã rồi", anh cho hay.

Chia sẻ về những trường hợp này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mặc dù việc không phải trả phí hoa hồng khi vay ngân hàng là hiển nhiên nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc. Do đó, đâu đó vẫn còn diễn ra khiến khách hàng đi vay bức xúc.

Còn đối với các khoản phí công chứng, phí đăng ký giao dịch đảm bảo... thông thường khách hàng vay ngân hàng phải chịu. Tuy nhiên, cán bộ tín dụng nên có sự tư vấn kỹ càng cho khách trước khi làm hồ sơ vay. Bởi nếu không được thông báo trước, đến khi làm thủ tục vay xong mới biết thì những khoản này có thể là "bất ngờ và khó chịu" cho người đi vay.

Còn với khoản phạt trước hạn, người vay phải luôn luôn nhớ là cần thương lượng trước, nhất là với những khách hàng vay thời gian dài để tránh rắc rối sau này.

Không rõ ràng về cách tính lãi suất

Bác Tám, một cán bộ về hưu tâm sự, mới đây bác vay khoản tiền 400 triệu đồng để sửa nhà với thời hạn 5 năm và được nhân viên cho biết lãi suất hai năm đầu chỉ 8%. Do có người bạn mới vay bên ngân hàng khác cũng với mức này nên bác chủ quan, không hỏi kỹ thêm về lãi suất tính như thế nào. "Ai ngờ, khi ký hợp đồng xong hết, về nhà tôi mới vỡ lẽ đây là mức lãi suất tính trên dư nợ ban đầu chứ không phải dư nợ giảm dần. Dù đây cũng là lỗi vô ý do không hỏi kỹ của mình, nhưng tôi cũng cảm giác như bị lừa vậy", bác nói.

Hiện nay, để thu hút người vay, nhiều ngân hàng liên tục cạnh tranh bằng các chương trình vay ưu đãi với lãi suất rất hấp dẫn. Tuy nhiên, khi vay thì khách hàng cần tìm hiểu kỹ xem đây là lãi suất tính theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu?, thời gian ưu đãi là bao lâu?..., bởi những điều này ảnh hưởng đến quyền lợi và khả năng chi trả tài chính của mỗi người.

"Vì vậy, khi vay, bạn cần hỏi rõ cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng để chủ động hơn trong kế hoạch vay và trả nợ", một chuyên gia khuyến cáo