Quên nỗi lo quản lý tài chính gia đình

PV.

(Tài chính) Quản lý tài chính gia đình là việc không hề dễ dàng nếu chúng ta không có kế hoạch phù hợp. Với các gia đình hiện đại, không nhất thiết lúc nào vợ cũng là tay hòm chìa khóa, quán xuyến, quản lý hết tiền bạc như xưa. Tuy nhiên, việc quản lý và duy trì nguồn tài chính ổn định trong gia đình phần lớn phụ thuộc vào vai trò của người phụ nữ và việc đảm bảo nguồn tài chính ổn định không chỉ giúp gia đình hòa thuận, hạnh phúc mà còn giúp bạn thực hiện những kế hoạch lớn trong tương lai. Nếu bạn đang gặp rắc rối trong cách quản lý tiền của gia đình hãy tham khảo một số giải pháp dưới đây.

Quản lý tài chính gia đình là việc không hề dễ dàng nếu chúng ta không có kế hoạch phù hợp. Nguồn: internet
Quản lý tài chính gia đình là việc không hề dễ dàng nếu chúng ta không có kế hoạch phù hợp. Nguồn: internet

Tài chính là một vấn đề nan giải của rất nhiều người, vấn đề ở đây không nhất thiết là việc kiếm tiền về cho gia đình mà còn phụ thuộc vào thói quen chi tiêu, lập kế hoạch quản lý tài chính. Sở dĩ vai trò của người phụ nữ được đề cao hơn trong quản lý tài chính gia đình bởi phụ nữ sau khi kết hôn thường có xu hướng vun vén, quán xuyến và chăm lo đến gia đình nhiều hơn các nhu cầu bản thân. Để làm tốt vai trò đó, người phụ nữ thông minh cần có những bí quyết riêng:

Xây dựng kế hoạch chi tiêu hàng tháng

Việc xây dựng kế hoạch chi tiêu tài chính trong tháng phải được tính toán trên cơ sở lương hàng tháng của hai vợ chồng. Khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình phải thấp hơn mức thu nhập của hai vợ chồng cộng lại. Đối với những người phụ nữ khéo léo, họ sẽ tính toán khoản chi hàng tháng nên ở mức khoảng 60-70% thu nhập của gia đình, phần còn lại sẽ được đưa vào khoản dự trữ của gia đình đề phòng những khoản chi đột xuất, tiết kiệm hoặc tích lũy cho tương lai.

Việc duy trì được thói quen và cân đối được nguồn tài chính này là một thành công quan trọng trong việc quản lý tài chính gia đình đảm bảo không bị thâm hụt. Khi ngân sách gia đình có sự “vượt chi” thì cả hai cần nhìn nhận một cách khách quan để cùng tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết, không nên đổ lỗi cho nhau vì điều đó chỉ làm vấn đề căng thẳng hơn. Mỗi tháng nên tổng kết thu chi của gia đình để có sự điều chỉnh hợp lý.

Tạo thói quen tiết kiệm

Ngoài khoản tiết kiệm từ thu nhập hàng tháng của gia đình thì người quản lý tài chính nên tính toán hợp lý giữa các khoản chi cần thiết, khoản chi trước mắt, khoản chi không cần thiết. Cần có sự thống nhất trong chi tiêu tài chính, tránh sự bất hòa. Có thể đưa ra mục tiêu của kế hoạch, đó là những con số cụ thể và cố gắng thực hiện thành công điều đó. Cũng có thể lấy khoản tiết kiệm này để đầu tư sinh lời.

Minh bạch tài chính gia đình

Không chỉ người phụ nữ mà người đà ông cũng có thể làm tốt vai trò thủ quỹ của gia đình, việc minh bạch tài chính gia đình của cả vợ và chồng sẽ giúp gia đình bền vững và hạnh phúc hơn. Việc người chồng hay vợ gánh vác trọng trách giữ tài chính của gia đình cần phải được thống nhất và xem xét ở thói quen chi tiêu hợp lý, tính chu đáo và biết cách tiết kiệm. Trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến tài chính cả hai nên tham khảo ý kiến lẫn nhau và điều quan trọng nhất là ngoài một quỹ chung của gia đình, mỗi người nên có khoản chi tiêu riêng cho những nhu cầu cá nhân, việc này sẽ khiến cả hai cảm thấy thoải mái và không quá áp lực hay lệ thuộc về tiền bạc với nửa kia.

Nâng cao vai trò của thủ quỹ gia đình

Người đó không mặc định là chồng hay vợ mà là người có khả năng quản lý tiền bạc tốt hơn. Quản lý tài chính trong gia đình có thể như một việc vặt nếu bạn luôn bị áp lực nhưng cần phải có một người chủ động theo dõi tất cả mọi thứ liên quan đến tiền bạc không chỉ chi trả hóa đơn mà còn cả những mục tiêu đầu tư khác nữa. Một nghiên cứu mới đây cho thấy phụ nữ có xu hướng là người lĩnh trách nhiệm quản lý tài chính trong gia đình. công việc của họ là cân đối việc chi tiêu trong gia đình, thông báo cũng như cởi mở với những thay đổi và bất đồng trong quá trình thực hiện và việc giao tiếp hàng ngày với chồng về những vấn đề từ tiền đóng học cho con hay bàn bạc mua sắm những món đồ giá trị lớn sẽ là cách giúp các cặp đôi trở nên gần gũi hơn.