Thận trọng với chiêu lừa đảo mới trong bán hàng online

Theo Hoài Anh/enternews.vn

Gần đây, nhiều người dùng Facebook phản ánh về một hình thức lừa đảo mới trên mạng xã hội, đánh vào sự cả tin của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đó, các đối tượng tạo ra nhiều trang bán hàng hoặc mua lại những trang đã có sẵn hàng nghìn lượt thích và theo dõi; sau đó thường xuyên đăng tải hình ảnh quần áo, phụ kiện… lấy từ các cửa hàng khác, chủ yếu là của nước ngoài. Những hình ảnh hàng hóa này rất đẹp, nhìn giống như chính người bán tự chụp. Tiếp đó, các đối tượng đăng nhiều bài với nội dung bán đồ khuyến mại, chạy quảng cáo bài viết để thu hút khách hàng xem và mua hàng. Khi người tiêu dùng nhắn tin đặt mua, các cửa hàng sẽ yêu cầu khách chuyển khoản trước 100% tiền hàng với lý do là hàng khuyến mại. Sau khi khách gửi tiền, cửa hàng tìm cách trì hoãn việc gửi hàng và lẳng lặng chặn Facebook người mua.

 

Thận trọng với các giao dịch trên mạng xã hội
Thận trọng với các giao dịch trên mạng xã hội

Không ít người dùng mạng xã hội đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này. Cách thức của các đối tượng không tinh vi phức tạp nhưng đã biết “chiêu” đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ dễ dàng “mắc câu”: các mặt hàng được bán phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giá cả phải chăng, mức khuyến mại hấp dẫn; người bán tư vấn và bán hàng nhiệt tình, thân thiện, tạo cảm tình với khách hàng.

Trên thực tế, hình thức lừa đảo này đơn giản nhưng khó nhận biết, khó chặn đứng hoàn toàn, bởi kể cả có bị phát giác, các đối tượng vẫn có nhiều trang bán hàng khác nhau và liên tục mở ra trang mới.

Tuy số tiền bị mất của mỗi khách hàng chỉ dao động từ vài trăm đến một triệu đồng, nhưng nếu cửa hàng lừa được số đông khách hàng, số tiền các đối tượng lừa đảo ăn chặn được là rất lớn. Để hạn chế tình trạng này, người tiêu dùng khi mua hàng online cần cẩn trọng để nhận diện những trường hợp đáng ngờ, tránh mất tiền thật trên không gian ảo.

Khi tiếp cận với một cửa hàng online trên mạng xã hội, cần xét đến thời gian đăng bài bán hàng của trang đó. Với những trang đăng bài liên tục nhưng chỉ được cập nhật trong thời gian gần (khoảng 1 tháng, vài tuần, vài ngày), uy tín của trang này ở mức độ thấp, cần chú ý.

Một dấu hiệu nữa là các trang bán hàng lừa đảo thường không cho hiển thị phần bình luận của các bài đăng, đây là cách để “bưng bít” thông tin phản hồi từ khách hàng. Người dùng cũng có thể để ý đến việc các bài đăng của một trang bán hàng có nhiều lượt trạng thái “phẫn nộ”, đây có thể là những người mua đã bị lừa mà không thể bình luận hay nhắn tin cho trang đó. Nhiều người dùng cẩn thận đã trực tiếp liên hệ với những tài khoản này để tìm hiểu thông tin về cửa hàng và sản phẩm.

Cần chú ý đến những cửa hàng cố ý lảng tránh hoặc không trả lời khi khách hàng xin số điện thoại hoặc địa chỉ cửa hàng để thử đồ.

Những người mua hàng dày dặn kinh nghiệm chia sẻ, một cách xác thực khá đơn giản là trước khi quyết định mua hàng có thể yêu cầu người bán cung cấp hình ảnh video của sản phẩm do cửa hàng tự quay. Những cửa hàng “đội lốt” rất dễ dàng để có ảnh của sản phẩm từ cửa hàng thật mà rất ít khi có được video.

Hầu hết những người tiêu dùng bị lừa khi mua hàng online chỉ bỏ qua, ít khi lên tiếng bởi số tiền bị mất không quá lớn, do đó những chiêu trò lừa đảo vẫn có cơ hội tiếp diễn.