Việt Nam nỗ lực "xóa sổ" đại dịch HIV/AIDS

Theo vtv.vn

Nhiều giải pháp phòng chống HIV/AIDS của ngành Y tế Việt Nam đã giúp hơn 131.000 người được điều trị thuốc ức chế miễn dịch ARV, xét nghiệm cho hơn 2 triệu người/năm.

Hiện Việt Nam đang có khoảng trên 200.000 người nhiễm HIV. Nguồn: internet
Hiện Việt Nam đang có khoảng trên 200.000 người nhiễm HIV. Nguồn: internet

Hiện Việt Nam đang có khoảng trên 200.000 người nhiễm HIV, mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 3.000 - 4.000 người tử vong do AIDS. Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Theo Bộ Y tế, vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình bệnh của mình. Điều này mang đến nhiều khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Thời gian gần đây, tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV qua nhóm người nghiện chích ma túy cũng đang dần gia tăng trở lại. Điều khó khăn nhất là độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS vẫn còn rất hạn chế, xã hội vẫn còn tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV.

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc của phòng chống dịch là phải biết được mầm bệnh từ đó bao vây, dập tắt, cắt đứt đường lây, chăm sóc cho người bị nhiễm. Thực tế người nhiễm bệnh chưa được phát hiện trong cộng đồng là khó khăn thách thức lớn, nguy cơ lây bệnh cho những người xung quanh vì không có giải pháp dự phòng. Đây là kiểu dịch tiềm ẩn ngay trong cộng đồng, gia đình nhưng rất khó phòng tránh.

Tới đây, Việt Nam sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ điều trị kháng HIV do BHYT chi trả, điều này sẽ tạo điều kiện cho những người đang điều trị kháng HIV được dễ dàng sử dụng cả các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết hưởng ứng mục tiêu 90 - 90 - 90: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Liên Hợp Quốc cũng đã khuyến cáo cần dồn tổng lực để đạt được các mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, để tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Trong những năm qua, những nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi, tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030 của Việt Nam đã giúp hơn 131.000 người được điều trị thuốc ức chế miễn dịch ARV, xét nghiệm cho hơn 2 triệu người mỗi năm đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá là nước đi đầu trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS.

Riêng tại Hà Nội, ngành Y tế cũng đã thực hiện nhiều công tác nhằm phòng chống đại dịch. Theo đó, trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội đã mở rộng các cơ sở xét nghiệm HIV đến tất cả các quận, huyện và 96% xã phường. Từ 18 cơ sở xét nghiệm HIV tự nguyện đặt tại 17 quận, huyện, thị xã vào cuối năm 2017, đến nay đã có các điểm đặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 566 xã, phường, thị trấn.

Từ hình thức xét nghiệm tự nguyện truyền thống (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm), Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm. Ngoài ra, còn triển khai các biện pháp tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội.

Đến ngày 31/10, ngành y tế Hà Nội đã đã xét nghiệm cho 234.614 trường hợp, trong đó 139.848 trường hợp xét nghiệm tại bệnh viện tuyến TP; 94.766 trường hợp được xét nghiệm tại các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, bệnh viện tuyến quận, huyện; phát hiện 1.607 trường hợp dương tính, trong đó 406 ca xét nghiệm lại.