Zara thu gần 3.100 tỷ đồng sau 3 năm vào Việt Nam

Theo Phương Anh/baodautu.vn

Xuất hiện trên thị trường chỉ hơn 3 năm, những thương hiệu ngoại có mức giá bình dân như Zara nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt khi doanh thu 3 năm lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Sau ba năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang  Zara thu về gần 3.100 tỷ đồng.
Sau ba năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang Zara thu về gần 3.100 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với 2 cửa hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail.

Năm 2017, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng (số liệu do tập đoàn này công bố). Trước đó, kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng, Zara Việt Nam ghi nhận doanh thu 321 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bình quân ngày 2,8 tỷ đồng và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỷ đồng, theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC). Đây là điều hiếm thấy bởi không nhiều các thương hiệu bán lẻ quốc tế thu được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh.

Như vậy, tổng 3 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang này thu về gần 3.100 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hàng năm khoảng 40%.

Với kết quả đó, doanh thu của Mitra Adiperkasa Việt Nam đã gần tương đương với đế chế hàng hiệu IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bỏ xa các tập đoàn bán lẻ thời trang và hàng xa xỉ lớn khác như Tam Sơn Fashion (Hermes, Bottega Veneta, Boss...) của OpenAsia Group hay MaiSon International Retail (Mango, Topshop Topman, Charles & Keith...).

Thậm chí so sánh với đối thủ trực tiếp là H&M - gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017, với số lượng cửa hàng nhiều hơn hẳn với 7 cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận của Zara đều cao hơn vượt trội. Nhìn lại các thương hiệu thời trang trong nước, các con số tương ứng trở nên quá nhỏ để đặt lên so sánh.

Một trong những lý do khiến Zara trở nên rất phổ biến bởi đây là thương hiệu thời trang quốc tế có mức giá tầm trung. Trước đó, để sở hữu được một món đồ Zara, khách hàng Việt luôn phải tìm nhiều cách như order (đặt mua) thông qua trung gian từ web Tây Ban Nha, nhờ người thân ở nước ngoài mua hộ hay thậm chí sang các quốc gia lân cận Thái Lan và Singapore để mua sắm.

Có mặt tại thị trường Việt Nam, Zara đã đánh trúng tâm lý của người trẻ thành thị, đó là yêu thích sản phẩm thời trang thương hiệu quốc tế, với mức giá dao động từ 300 ngàn - 2 triệu đồng, có thể coi là "dễ chịu" với thu nhập của tầng lớp trung lưu người thành thị.

Điểm mạnh thứ hai của Zara chính là tốc độ quay vòng sản phẩm hay tốc độ sáng tạo sản phẩm rất nhanh, khiến sản phẩm của hãng này luôn rất "trending" (bắt nhanh xu hướng thời trang). Khách hàng khi tìm đến Zara luôn có tâm lý sẽ được trải nghiệm những xu hướng mới nhất, bộ sưu tập mới nhất với những thiết kế mới nhất. Zara liên tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thông tin của họ sẽ là chìa khóa cho các thiết kế tiếp theo, điều mà đại diện Zara gọi mô hình của mình là ‘thời trang đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng’.

Với nhiều lợi thế, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của Zara hay H&M tại Việt Nam đang là "hồi chuông báo động" cho ngành công nghiệp thời trang trong nước, thậm chí sẽ đem đến những thay đổi mạnh trong cục diện ngành thời trang vốn đã không nằm trong tay doanh nghiệp nội từ trước đến nay.

Zara vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Inditex, một trong những tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha. Tại Việt Nam, Zara Việt Nam thuộc chuỗi nhượng quyền của Mitra Adiperkasa (Indonesia) tại Việt Nam. Các cửa hàng Zara tại Việt Nam lại do đối tác của Inditex tại Indonesia là Mitra Adiperkasa (MAP) vận hành. Bên cạnh công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh Zara, MAP đồng thời lập 3 pháp nhân khác để kinh doanh các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.