6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp vẫn còn bất lợi

PV.

Nhìn vào 6 tháng cuối năm, nông nghiệp chưa có dấu hiệu gì mang tính chất đột biến để đảm bảo có thể thay đổi. Trong khi đó, những yếu tố bất lợi cho nông nghiệp thời gian gầy đây lại xảy ra nhiều hơn.

6 tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm.
6 tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm.

PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp 6 tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới hết tháng 6, GDP chung toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã sụt giảm 0,18%. Ông có ngạc nhiên với kết quả tăng trưởng âm của ngành Nông nghiệp?

Nông nghiệp tăng trưởng âm không có gì ngạc nhiên. Trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam chỉ tự cung tự cấp. Khi mở rộng quan hệ quốc tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp được XK như lúa gạo, hạt điều, cà phê, cao su… Hoạt động XK này làm cho tốc độ tăng trưởng ngành tăng lên nhanh. Khi đã liên tục tăng trưởng nhanh, ở giai đoạn sau, để tăng được 1% trở nên cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng ở mức giới hạn trong việc mở rộng theo số lượng và sản lượng. Do vậy, khi nền nông nghiệp chưa có sự chuyển biến đặc biệt về mặt chất lượng thì tăng trưởng chững lại, thậm chí thụt lùi là chuyện tất yếu.

6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp vẫn còn bất lợi - Ảnh 1

PGS. TS Phạm Tất Thắng

Theo ông, đâu là những nguyên nhân trực tiếp khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong nửa đầu năm?

Trong năm nay, ngành nông nghiệp vấp phải nhiều yếu tố khó khăn khách quan, ví dụ như bất lợi về thời tiết, nhiễm mặn ở khu vực ĐBSCL cũng như một số bất lợi về mặt dịch bệnh trong lĩnh vực chăn nuôi… Những điều này đẩy ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng cạnh tranh không cân sức. Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp tăng trưởng chững lại trong khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, khi Việt Nam thực hiện một số cam kết trong các lĩnh vực khác nhau của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện cam kết khi tham gia một số Hiệp định thương mại tự do, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành… mức thuế giảm xuống, nhiều mặt hàng nông sản của nước ngoài có cơ hội tràn vào thị trường nội địa, ví dụ như thịt bò Australia, thịt gà Mỹ, hoa quả Thái Lan, gạo Campuchia… Điều này cũng gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, theo ông tốc độ tăng trưởng âm như hiện tại có đặt ra nhiều lo ngại không?

Tôi cho rằng việc ngành nông nghiệp trong khoảng nửa năm tăng trưởng âm không đáng lo ngại bởi nó chỉ mang tính chất tình thế. Mức tăng trưởng có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan.

Tuy nhiên, trong thời hội nhập sâu, cái đáng lo nhất là nông nghiệp Việt Nam đang nằm trong mâu thuẫn tự tạo ra. Đó là, chúng ta muốn vươn ra thị trường thế giới, muốn bán hàng tại các thị trường “khó tính”, song nền nông nghiệp lại được tổ chức sản xuất theo kiểu manh mún, tiểu nông, nhìn ngắn. Hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam chật vật tìm thị trường, song hầu hết các thị trường đều đưa ra những chuẩn mực khá cao. Trong khi đó, hiện nay cùng một sản phẩm XK lại được sản xuất từ hàng nghìn nông dân, hàng nghìn mảnh đất với những loại giống và cách chăm sóc khác nhau. Điều này rõ ràng không bao giờ đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại. Nếu mâu thuẫn nêu trên không được giải quyết thì nền nông nghiệp không bao giờ có thể khá lên.

Với bối cảnh hiện tại, ông đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong nửa cuối năm, thậm chí cả đầu năm 2017?

Trong năm 2016, nền nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn vào 6 tháng cuối năm, nông nghiệp chưa có dấu hiệu gì mang tính chất đột biến để đảm bảo có thể thay đổi. Trong khi đó, những yếu tố bất lợi cho nông nghiệp thời gian gầy đây lại xảy ra nhiều hơn. Bởi vậy, nửa cuối năm, thậm chí cả nửa đầu năm sau, dự báo nông nghiệp vẫn trong tình trạng phát triển bấp bênh lúc lên lúc xuống, không ổn định.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, ở tương lai xa hơn nền nông nghiệp cũng có những dấu hiệu tốt. Điển hình như khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các nhà kinh doanh nông nghiệp ở Nhật Bản, Australia, Canada, Mỹ… sẽ tìm kiếm thị trường có nhân công thuận lợi hơn, quỹ đất tốt, khí hậu thuận lợi hơn để đầu tư. Đây có thể là cơ hội cho Việt Nam. Nếu được hướng tới đầu tư, tận dụng tốt các yếu tố thì trong khoảng 5 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ có chuyển biến tốt.

Ngoài ra, gần đây việc Nhà nước đã có những chính sách thúc đẩy việc chuyển giao, tiếp nhận những công nghệ hiện đại trong nông nghiệp từ Australia, Nhật Bản… cũng là tín hiệu tích cực.

Vậy ông có thể cho biết, đâu là giải pháp để ngành Nông nghiệp hóa giải những bất lợi trên?

Tôi cho rằng, muốn phát triển được, quan trọng nhất là phải làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam trở nên hiện đại, quy mô lớn. Muốn vậy, việc tích tụ ruộng đất cần được khơi thông. Hiện nay, nhiều DN lớn muốn đầu tư sâu hơn vào nông nghiệp, tuy nhiên theo giãi bày của DN thì để tập trung được khoảng 10 ha đất đai ở Việt Nam rất chật vật. Trong khi đó, nếu sang Lào hay Campuchia, tập trung 20 ha, thậm chí 30 ha đơn giản hơn nhiều. Muốn gỡ “nút thắt” trong tích tụ ruộng đất, Luật Đất đai phải được sửa đổi.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc thu hút những DN có năng lực, mang tính chất DN “đầu đàn” tham gia đầu tư trong nông nghiệp. DN sẽ đảm nhiệm tốt các khâu như kiếm tìm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu… Sự vào cuộc của DN phải sâu sát tới từng vùng, từng sản phẩm.

Một điểm quan trọng là cần có chính sách phù hợp hướng những người nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp, có tay nghề, có trình độ, thực sự tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh để người nông dân sống được trên mảnh đất của mình, từ đó mới có tinh thần bám đất, bám nghề.

Xin cảm ơn ông!