Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp:

Cần một công cụ đánh giá hiệu quả hơn!

PV.

(Tài chính) Nhằm tránh tình trạng“bình mới, rượu cũ” trong quá trình đánh giá hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay, cần thiết phải có một công cụ đánh giá hiệu quả hơn nữa.

Giải thể công ty nông, lâm nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp

Đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh cho thấy: Hoạt động sắp xếp, đổi mới nông lâm trường tuy đã có nhiều chuyển biến song vẫn tồn tại một số bất cập như: Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các công ty lâm nghiệp chủ yếu quản lý rừng sản xuất, lúng túng về phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, khó khăn chuyển sang hạch toán kinh doanh; Chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất còn thấp; xử lý chậm và thiếu kiên quyết đối với các trường hợp sử dụng đất chưa đúng quy định; diện tích đất chưa sử dụng hoặc hoang hóa còn nhiều. Tình hình tài chính của hầu hết các công ty còn nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; việc làm, thu nhập của người lao động tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Quy định việc rà soát thu hồi đất đai còn mang tính chung chung, có cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai, dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, né tránh và không đảm bảo mục tiêu thu hồi đất giao lại cho địa phương. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý rừng của công ty lâm nghiệp chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Thiếu cơ chế chính sách đặc thù đối với công ty nông, lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với an ninh, quốc phòng.

Nhằm hạn chế những bất cập trên, ngoài việc tham gia ký kết và gia nhập một số điều ước, công ước, sáng kiến quốc tế liên quan đến lâm nghiệp, Đảng và Nhà nước còn ban hành một số văn bản quan trọng như: Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Nghị quyết số 30- NQ/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đất đai năm 2013… Triển khai tinh thần đó, ngày 17/12/2014, Nghị định số 188/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty, nông lâm nghiệp đã được ban hành thay thế cho Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh. Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015.

Theo Nghị định 188/2014/NĐ-CP, các công ty nông, lâm nghiệp làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chính sẽ chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện cổ phần hóa; các công ty nông, lâm nghiệp làm nhiệm vụ công ích là chính thì thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch;

Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp được thực hiện qua các hình thức sau:

- Duy trì, củng cố và phát triển công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại: i) Công ty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ii) Công ty lâm nghiệp có diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên giàu và trung bình từ 70% diện tích đất được giao, thuê trở lên và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

- Chuyển công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với: i) Công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh; ii) Công ty lâm nghiệp có diện tích rừng sản xuất là rừng trồng và đất quy hoạch trồng rừng sản xuất từ 70% diện tích đất được giao, thuê trở lên tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh. Những công ty khác không thuộc đối tượng này thì chuyển thành công ty cổ phần Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần.

- Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Giải thể những công ty kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp vì lý do chủ quan của công ty và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên; công ty khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất công ty được giao, thuê; công ty có quy mô diện tích dưới 500 ha (đối với công ty nông nghiệp) – dưới 100 ha (đối với công ty lâm nghiệp), phân tán, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Trường hợp quy mô diện tích dưới 500 ha/100 ha, liền vùng, tập trung và sản xuất kinh doanh hiệu quả cần giữ lại thì cơ quan chủ sở hữu xem xét, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Ngoài những vấn đề trên, Nghị định 188/2014/NĐ-CP còn đề cập tới cả những vấn đề như: Cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp; cơ chế, chính sách về giao đất, cho thuê đất; cơ chế quản lý, sử dụng rừng; cơ chế tài chính; cơ chế đầu tư...

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động

Sắp xếp, đổi mới nông lâm trường cùng với tái cơ cấu nông lâm nghiệp là vấn đề quan trọng. Năm 2015, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (giai đoạn từ 2004 – 2014). Tuy nhiên, việc đánh giá các công ty nông, lâm nghiệp hiện vẫn chưa rõ ràng; việc xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp cũng mới chỉ đơn tuyến, thiếu sự giám sát của người dân và chính quyền địa phương. Để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, cần thiết phải xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, tuy nhiên sự chính xác đòi hỏi bộ tiêu chí phải được thử nghiệm qua thực tế. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng và áp dụng thí điểm bộ tiêu chí đánh giá, rà soát, sắp xếp tại Công ty TNHH một thành viên Lâm - Công nghiệp Bắc Quảng Bình. Kết quả cho thấy, công ty này được giao quản lý, sử dụng 165.307 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng trồng trên 1.000ha và diện tích rừng tự nhiên trên 5.000ha; lợi nhuận 5 năm gần đây của công ty đều dương. Tuy nhiên, lợi nhuận của mỗi lâm trường thành viên lại rất khác nhau và có một số lâm trường thường xuyên thua lỗ; Công ty thực hiện quản lý đất và rừng dưới nhiều hình thức: Tự tổ chức, khoán kinh doanh rừng lâu dài, liên doanh liên kết. Tuy nhiên, do lỗi quản lý nên đang xảy ra hiện tượng khoán trắng, tình trạng lấn chiếm xảy ra… Nhiều vấn đề về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đai đai kéo dài.

Theo trải nghiệm trên có thể thấy rằng: Có nhiều hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp rất khó lượng hóa, việc đánh giá các công ty nông, lâm nghiệp yêu cầu kết hợp cả tiêu chí định tính lẫn định lượng. Do vậy, Bộ tiêu chí đánh giá công ty nông, lâm nghiệp cần bổ sung thêm một số tiêu chí như sau:

Thứ nhất, tình hình quản lý sử dụng đất đai. Cụ thể gồm: Diện tích đã được xác định ranh giới, cắm mốc thực địa; hình thức sử dụng đất (đất thu tiền sử dụng đất, đất không thu tiền sử dụng đất); diện tích đất chưa được công ty sử dụng, thời gian chưa sử dụng và nguyên nhân chưa sử dụng đất; tình hình sử dụng đất theo mục đích (diện tích đất sử dụng đúng mục đích, diện tích sử dụng sai mục đích); mục đích sử dụng đất sau cho thuê, khoán (tình hình quản lý của công ty với đất này, tính pháp lý chuyển nhượng); diện tích chuyển nhượng sai mục đích…

Thứ hai, tình hình quản lý sử dụng rừng. Cụ thể gồm: Diện tích khoán trắng để điều chỉnh thời gian khoán và cách thức giao khoán; tình hình phân chia lợi ích giữa công ty với các chủ thể giao khoán; tình hình quản lý sử dụng rừng và đất rừng sau giao khoán; đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp…

Thứ ba, đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của công ty. Cụ thể gồm: Thu nhập của các hộ gia đình nhận khoán từ lâm nghiệp…

Và cuối cùng là đánh giá tác động môi trường, xã hội, an ninh quốc phòng.