Cụ thể hóa các chính sách thu hút đầu tư vào Nông nghiệp

PV.

Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư thành công khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành này, thời gian tới cần biến các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu tại diễn đàn
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu tại diễn đàn

Ngày 8/9/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong nông thôn mới với chủ đề: “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Vốn và số lượng doanh nghiệp đầu tư đã tăng

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 28.859 tỷ đồng năm 2009 lên 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần).

Cùng với đó, số lượng đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.640 doanh nghiệp năm 2015; trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 85%). Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Vinamilk, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc...

 Hiện nay, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và niều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC... Đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng ban Kinh tế trung ương cũng nhấn mạnh, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp nước ta.

Cụ thể, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định. Số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản (NLTS) còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây: Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp NLTS đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm. Tỷ trọng doanh nghiệp NLTS so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014; đa phần là doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%). 

Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp còn ở mức khiêm tốn. Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Bình: "Chúng ta phải làm rõ thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, đặc biệt là thực trạng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cần làm rõ các nguyên nhân, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời gian qua... Đồng thời, làm rõ thực trạng và đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp và hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam..."- ông Bình nêu rõ.

Tạo thuận lợi tối đa cho đầu tư vào nông nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương khẳng định, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước trong từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. 

Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, cung cấp các dịch vụ kiểm dịch động thực vật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân. 

Thực hiện đổi mới hình thức quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.  

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã thành lập “Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc bộ và các doanh nghiệp nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp. 

Mục đích của nhóm là thường xuyên tổ chức gặp mặt để giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách để tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

“Tại Hội nghị này, thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chung tay, góp sức cùng Nhà nước và bà con nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.