Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông sản trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

PV.

(Tài chính) Tuy có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng việc huy động vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn khiêm tốn, rời rạc và manh mún. Từ thực tiễn tái cơ cấu nông nghiệp của vùng, bài viết đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông sản trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệu quả từ mô hình liên kết

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay được xem là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh của cả nước, với tiềm năng phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (khu vực I chiếm 35,35%, khu vực II chiếm 26,2%, khu vực III chiếm 38,45%). GDP bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 42.788 nghìn đồng. ĐBSCL đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, 55,6% sản lượng lúa, trên 50% sản lượng trái cây, 54% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước...

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó, nhiều mô hình liên kết được áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực như: “Cánh đồng mẫu lớn”, “lúa - tôm”, sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một điển hình trong việc cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Mô hình có sự tham gia và liên kết chặt chẽ của “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân), tạo nên sức mạnh tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Hình thức tham gia mô hình cũng khá đa dạng: Doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong 30 ngày; Hoặc doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường 100-150 đồng/kg...

Ngoài lúa gạo, ĐBSCL còn là vùng nuôi trồng thủy sản (tôm, cá tra, cá ba sa) lớn nhất nước ta hiện nay với sản lượng chiếm 58% cả nước; riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ khoảng 890.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 480.000 ha. Bên cạnh đó, đây còn là vùng đất truyền thống trồng cây ăn trái với diện tích khoảng 288.000 ha với sản lượng hàng năm đạt 3,1 triệu tấn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Các mô hình liên kết trong sản xuất thủy sản, trồng cây ăn trái cũng đang được nông dân các địa phương triển khai mạnh mẽ...

Tuy có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng số vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện còn rất khiêm tốn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong vùng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phân bổ không đều giữa các tỉnh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cho vùng ĐBSCL đạt khoảng 5,7 tỷ USD, chiếm 8,2% so với tổng nguồn vốn ODA của cả nước. Trong đó, các dự án ODA đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 500 triệu USD. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 9/2014 trên địa bàn ĐBSCL có 903 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 11,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản vốn là thế mạnh của Vùng cũng chỉ có 52 dự án với số vốn đăng ký hơn 242 triệu USD… Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung vẫn là do: Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng rất đến môi trường đầu tư của vùng; Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế; Người dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống tự phát, nhỏ lẻ. Chuỗi liên kết trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo và chưa có các “kênh” phân phối hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam...

Hơn nữa, lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái - những thế mạnh của khu vực ĐBSCL luôn đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro chịu tác động trực tiếp bởi các yếu tố bất lợi của môi trường; rủi ro khi các nước nhập khẩu sử dụng các hàng rào kỹ thuật thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Để khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng, phát triển theo hướng bền vững, nhất là nâng cao liên kết trong chuỗi giá trị nông sản, thời gian tới ĐBSCL cần tạo được sự hấp dẫn thu hút các nguồn lực từ bên ngoài và tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, phát huy cao độ sức mạnh liên kết vùng từ góc độ một không gian kinh tế thống nhất, gắn liền với tiến trình đô thị hóa và chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến vùng ĐBSCL. Trong đó, cần chú trọng đến việc phân công vai trò, nhiệm vụ giữa các tỉnh trong vùng, hài hòa với sự phát triển chung của vùng và của cả nước.

Thứ hai, tiến hành chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để đến năm 2020 vùng ĐBSCL cơ bản có nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế so sánh của Vùng như lúa, thủy sản, trái cây...

Thứ ba, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt cơ hội và hạn chế tối đa cạnh tranh cục bộ, để tránh tình trạng các địa phương chạy theo lợi ích cục bộ địa phương làm tổn hại tới lợi ích chung của vùng, của cả nước. Đồng thời, cân đối các nguồn lực để tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đầu tư tập trung vào các khu hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, logistic… nhằm góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài đổi mới công nghệ vào lĩnh vực sau thu hoạch và chế biến nông, thủy sản.

Thứ tư, xúc tiến cơ cấu điều hành vùng; Lôi kéo các ngân hàng tham gia vào mối liên kết chiến lược giữa ngân hàng – doanh nghiệp – nông dân. Các ngân hàng cần linh hoạt hơn nữa trong việc xem xét giãn nợ và cho vay mới để hỗ trợ nông dân trong tình hình nông sản chưa tiêu thụ được. Đặc biệt, cần ưu tiên tăng hạn mức cho vay với các khách hàng là doanh nghiệp truyền thống như các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu có uy tín trong việc vay – trả nợ.

Thứ năm, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp và nông dân – nông dân, để từ đó thúc đẩy nông dân lẫn doanh nghiệp cùng tăng cường liên kết với nhau để nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Qua đó, thúc đẩy xây dựng những vùng nguyên liệu, ứng dụng tốt những thành tựu khoa học kỹ thuật để có thể kiểm soát được số lượng lẫn chất lượng và mang lại sự phát triển bền vững.

Thứ sáu, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan… ở tất cả các khâu, các cấp. Đồng thời, nhanh chóng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và khu vực, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, kinh doanh vào khu vực này; Xây dựng chiến lược đào tạo các ngành, nghề phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh đào tạo nghề tại khu vực nông thôn, vùng tập trung đồng bào dân tộc; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động…