Gần 2,2 triệu ha rừng có nguy cơ bị chuyển đổi bất hợp pháp

PV.

Hiện có gần 2,2 triệu ha (đất) rừng được tạm giao cho các UBND xã quản lý đang đối mặt với nguy cơ cao vì bị khai thác và chuyển đổi bất hợp pháp

Rừng sản xuất
Rừng sản xuất

Ngày 24/6/2016, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Sử dụng hợp lý và bền vững đất lâm nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành: Thực trạng và giải pháp” nhằm đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) 2004 và xây dựng Luật Lâm nghiệp.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp (được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013), cơ cấu các loại rừng và đất lâm nghiệp đã được định hướng sẽ có những thay đổi lớn trong những năm tới.

Cụ thể, đến năm 2020, ngoài diện tích rừng đặc dụng sẽ được củng cố, giữ nguyên diện tích (gần 2,3 triệu ha), diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất sẽ là đối tượng ưu tiên chuyển dịch nhằm đảm bảo quỹ đất phát triển sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cũng như cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương.

Trong đó, khoảng 1,2 triệu ha rừng và đất rừng phòng hộ ít xung yếu sẽ được xem xét chuyển sang khai thác, sản xuất kết hợp phòng hộ; 2,2 triệu ha diện tích đất lâm nghiệp, chủ yếu là đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ, thuộc phạm vi quản lý của các nông, lâm trường quốc doanh cũng đã và đang được cơ cấu lại... Đáng lưu ý, có gần 2,2 triệu ha (đất) rừng hiện đang được tạm giao cho các UBND xã quản lý đang đối mặt với nguy cơ cao vì bị khai thác và chuyển đổi bất hợp pháp.

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung vào vấn đề quy hoạch sử dụng đất, rừng cũng như hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn về sử dụng đất rừng giữa người dân với các chủ rừng nhà nước (đặc biệt là các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ) hiện tại.

Cùng với đó, hội thảo cũng đặt ra yêu cầu xem xét và sửa đổi các quy định hiện hành để đảm bảo đất rừng và rừng được quản trị tốt hơn; đảm bảo tính minh bạch, có sự tham gia, chia sẻ công bằng lợi ích trong quá trình quy hoạch quản lý và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; thu hồi, giao, cho thuê rừng và đất rừng.