Hoài Nhơn – Bình Định: Mô hình trồng lúa kiểu mẫu

Hà Huyền

(Tài chính) Đối với nông dân ở huyện Hoài Nhơn – Bình Định ngoài “mê” làm lúa VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt) họ còn rành về các biện pháp kỹ thuật về trồng lúa tốt và đã trở thành mô hình trồng lúa kiểu mẫu cho các địa phương trên cả nước học tập kinh nghiệm.

Nông dân ở thôn Mỹ Tho, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn thăm đồng lúa VietGAP.
Nông dân ở thôn Mỹ Tho, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn thăm đồng lúa VietGAP.
Lúa VietGAP và những lợi ích thiết thực
Nếu như trước đây cụm từ “làm lúa VietGAP” đối với nông dân xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định nghe còn xa lạ, thì đến nay, sau 1 vụ làm lúa VietGAP họ không chỉ rành về các biện pháp kỹ thuật, mà còn “mê” làm lúa kiểu này vì nhận ra nhiều lợi ích thiết thực.

Ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Hoài Mỹ cho biết, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), xã Hoài Mỹ xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 50 ha với giống lúa OM 4900, phương pháp canh tác áp dụng theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI. Với cách làm này, nông dân được tăng thu nhập nhờ tăng từ 25 - 30% năng suất, giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra còn làm giảm từ 25 - 30% nước tưới, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Đưa ra những lợi ích mang lại từ việc làm lúa VietGAP, nhiều nông dân ở thôn Mỹ Tho, xã Hoài Mỹ cho biết, sản xuất lúa VietGAP nông dân được giảm chi phí đầu vào nhờ bón phân cân đối, không bón tràn lan như trước đây nên lúa ít dịch bệnh, do đó chẳng cần dùng thuốc bảo vệ thực vật mà lúa vẫn phát triển tốt. Thêm vào đó, đồng ruộng sạch sẽ,ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên sức khỏe của người làm nông nghiệp được an toàn hơn.

Làm lúa VietGAP nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt 60 tiêu chí, trong đó tiêu chí khó nhất là về môi trường đồng ruộng. Tiêu chí này buộc nông dân hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khuyến khích dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Ý thức được tuân thủ nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật của làm lúa VietGAP, huyện Hoài Nhơn đã xây dựng 3 nhóm, mỗi nhóm 4 thành viên đứng chân trên địa bàn 3 thôn sản xuất lúa VietGAP (Khánh Trạch, Vân Khánh, Mỹ Tho) để trực tiếp theo dõi, hướng dẫn cách áp dụng cho đúng quy chuẩn lúa VietGAP yêu cầu.

Ông Dư cho biết thêm, đến nay có 350 hộ dân tham gia sản xuất trên cánh đồng lúa VietGAP ở xã Hoài Mỹ đều được tập huấn bài bản về những tiêu chí phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đồng thời mỗi tổ đều được cấp sổ nhật ký để ghi chép từng chi tiết trong suốt quá trình sản xuất…

Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là mô hình sản xuất lúa VietGAP ở xã Hoài Mỹ giúp nông dân tiếp cận với phương pháp canh tác lúa tiên tiến, sản phẩm được bao tiêu nên nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, chứng chỉ lúa VietGAP còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm lúa sạch. Đáng nói nhất là mô hình này tạo được mối gắn kết giữa nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm, một hình thức kết nối sản phẩm với thị trường rất hiệu quả.

Mô hình thâm canh giống nếp ngự
Bên cạnh việc làm lúa tốt theo VietGAP, tại huyện Hoài Nhơn – Bình Định còn triển khai thành công mô hình thâm canh giống nếp ngự vụ Đông – Xuân 2014-2015.

Nếp ngự là giống lúa nếp đặc sản của huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định, sau khi triển khai thực hiện mô hình “Trồng thâm canh giống nếp ngự” tại cánh đồng Tăng Long, khối 8, thị trấn Tam Quan, mô hình này cho kết quả tốt.

Qua theo dõi ở vụ Đông Xuân 2014-2015 vừa qua cho thấy, nếp ngự có thời gian sinh trưởng là 120 ngày, đẻ nhánh ít (1-2 nhánh/bụi), chiều cao trung bình là 135 cm. Chiều dài bông là 24 cm và số bông/m2 là 228 bông. Tổng số hạt/bông 128 hạt nhưng số hạt chắc/bông lại khá cao (125 hạt/128 hạt). Tỷ lệ lép rất thấp, chỉ có 3,9%.

Năng suất lý thuyết đạt 70 tạ/ha, ước năng suất thực thu 49 tạ/ha. Tuy năng suất thấp nhưng do giá bán của nếp ngự khá cao (khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg), lại dễ bán nên chỉ cần năng suất đạt 35 tạ/ha là bà con nông dân đã có lợi nhuận. Nếp ngự có đặc điểm hạt to bầu tròn, màu trắng sữa, rất dẻo và thơm.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng giống nếp ngự cần lưu ý: Giống nếp ngự là giống dài ngày nên thích hợp trên chân đất có độ phì trung bình, phù hợp trong sản xuất vụ đông xuân; Giống nếp ngự hơi yếu cây, chịu phèn trung bình; chịu rét khá, dễ mẫn cảm với sâu bệnh hơn so với giống lúa khác trên địa bàn địa phương; Giống lúa nếp ngự bị sâu cuốn lá, sâu đục thân gây hại cục bộ; mẫn cảm với bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, ít chịu thâm canh (bón nhẹ phân đạm). Do đó, cần chú ý bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa đạm, chú trọng phòng trừ bệnh đạo ôn giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng, trổ.

Để bảo vệ đặc sản nếp ngự của Hoài Nhơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định cùng các ban, ngành liên quan cần có kế hoạch xây dựng chương trình phục tráng giống nếp ngự đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, độ thuần cao để có nguồn giống tốt cung cấp cho nông dân sản xuất trên diện rộng./.