Hướng phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020

Ngọc Thọ

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020. Bộ trưởng Cao Đức Phát và Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì.

TS. Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thọ
TS. Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thọ

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, tổng đàn gia cầm gồm đàn gà và đàn thủy cầm những năm qua có xu hướng tăng liên tục. Số lượng gia cầm tăng từ 300 triệu con năm 2010 lên 314,8 triệu con năm 2013 và đạt 334,1 triệu con năm 2015. Số lượng gà tăng từ 218,2 triệu con năm 2010 lên 231,7 triệu con năm 2013 và đạt 245 triệu con năm 2015. Sản lượng thịt gia cầm hơi và sản lượng trứng gia cầm đều tăng bình quân lần lượt là 9,31% và 8,61% trong giai đoạn từ 2010-2015.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Vân, việc chăn nuôi gà vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước thì chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp. Về giống gà, năng suất, chất lượng con giống nhìn chung còn thấp, chất lượng giống của một số cơ sở không đảm bảo chất lượng. Về tổ chức sản xuất, việc liên kết sản xuất còn chưa hoàn chỉnh, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; giá cả phụ thuộc vào thương lái. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống còn thấp, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường…

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu quan điểm: Để nâng cao khả năng cạnh tranh của chăn nuôi gia cầm trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần nhận diện rõ những lợi thế và điểm yếu của ngành, trên cơ sở đó để có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng con giống, giảm giá thức ăn chăn nuôi, cân đối cung cầu giữa sản phẩm làm ra và nhập khẩu đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo ông Sơn, phải chuyển từ tăng trưởng quá nóng như hiện nay sang tăng trưởng bền vững, đặc biệt là đối với gà lông trắng, tránh phát triển ồ ạt. “Dự báo từ năm 2013-2022, tăng trưởng gia cầm của thế giới là 1,9% nếu chúng ta tăng trưởng gấp 3 lần như vậy thì chúng ta khó tiêu thụ hết được sản phẩm làm ra. Ngoài ra, lâu nay ta chỉ quan tâm đến thị trường nội địa thì bây giờ phải tập trung mạnh vào xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế và thị trường” - ông Sơn chia sẻ.

Ông Lê Thanh Phương - Giám đốc Chương trình chăn nuôi gia công, Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho hay, nếu tính giá thành sản xuất 1kg gà khoảng 1,2 USD/kg, tương đương khoảng 26.400 đồng/kg. Sau khi giết mổ, tỷ lệ thu hồi thịt đạt 82%, với giá thành là 32.200 đồng/kg và nếu tính cả vận chuyển, giá bán phải ít nhất là 35.000 đồng/kg mới hòa vốn. Trong khi đó, gà Mỹ bán ở siêu thị vừa rồi chưa tới 20.000 đồng thì không thể nào giải thích được lý do vì sao.

Cũng theo ông Phương, gần 1 năm qua, Emivest liên tiếp lỗ nhưng vẫn phải gắng gượng sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, nếu tiếp tục lỗ thì cũng phải tính tới việc dừng sản xuất.

Ông Phương đề nghị, Chính phủ, Bộ, ngành can thiệp làm rõ lý do vì sao gà nhập khẩu lại rẻ như vậy và tập trung vào việc làm rõ có gian lận thương mại hay không, chất lượng gà nhập khẩu có vấn đề gì hay không? Về lâu dài, ông Phương kiến nghị cần tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ức gà vì thị trường Việt Nam, ức gà bán rất rẻ mà bán không được trong khi cổ, cánh, đùi thì bán rất chạy. Nên chăng tính toán tìm đường xuất khẩu ức gà cho các quốc gia có sở thích, thói quen ăn ức gà thì ngành chăn nuôi gà sẽ “cất cánh” thực sự.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định “phải hướng đến khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại và công nghiệp, gấp rút triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại nhưng cũng tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi nông hộ”.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện những nghiên cứu theo hướng này để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển chăn nuôi trang trại.