Khoảng 40.000 ha vụ Đông Xuân bị hạn hán đe dọa nghiêm trọng

PV.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng hạn hán triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay trong vụ Hè Thu 2016. Đây là giải pháp quan trọng tại thời điểm này để đối phó với hạn hán.

Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với hạn hán
Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với hạn hán

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích canh tác lúa toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ hiện nay khoảng 230.000 ha; trong đó, đất sản xuất 2 vụ lúa khoảng 145.500 ha, đất 3 vụ khoảng 74.500 ha và đất 1 vụ khoảng 10.400 ha.

Tổng diện tích không xuống giống Đông Xuân được là 16.423 ha. Tổng diện tích vụ Đông Xuân đã xuống giống đang bị thiệt hại do hạn hán là 10.829 ha; trong đó, cây lúa 5.790 ha, cây màu 3.388 ha, cây công nghiệp dài ngày 308 ha, cây ăn quả 434 ha, cây khác 909 ha.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, lượng nước tại các hồ chứa khu vực Duyên hải Nam Trung bộ phục vụ tưới vụ Đông Xuân thiếu hụt nghiêm trọng. Tổng diện tích cây trồng tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán trong thời gian tới là trên 40.000 ha.
Căn cứ tình hình lượng nước hiện có trong hồ chứa, diễn biến hạn hán trong những năm vừa qua cho thấy, nếu không có lũ tiểu mãn vào tháng 5/2016 thì khả năng, tiểu vùng 2 và 3 có khoảng trên 90.000 ha lúa màu bị thiếu nước.Đặc biệt, diện tích khả năng không sản xuất được khoảng trên 30.000 ha, và 60.000 ha phải có phương án phòng, chống hạn hán.
Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó với hạn hán nghiêm trọng đợt này là Bộ đang phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng hạn hán triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay trong vụ Hè Thu 2016.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, để chuẩn bị cho vụ Hè Thu 2016, các địa phương cần chú ý giải pháp trước mắt như các vùng không đủ lượng nước cho sản xuất cần có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí dịch chuyển khung thời vụ sản xuất cho phù hợp để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.
Đối với những vùng không có khả năng tưới tiêu thì chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán gây ra.
Về lâu dài, các địa phương đang sản xuất 3 vụ/năm như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa cần tính toán hiệu quả sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh chuyển đổi sang 2 lúa (vụ Đông Xuân và Hè Thu) an toàn hơn, hiệu quả hơn hoặc chuyển sang 1 hoặc 2 vụ rau, màu… có hiệu quả cao.
Đối với các tỉnh sản xuất 2 vụ lúa/năm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định tiếp tục rà soát nguồn nước, kênh tưới để điều chỉnh lịch xuống giống phù hợp với lịch tưới.
Bên cạnh đó, vụ Hè Thu 2016, các địa phương cần tập trung triển khai nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng El-Nino, mùa khô sẽ kéo dài đến hết tháng 8 năm 2016, tình trạng hạn hán, thiếu nước khả năng kéo dài đến hết vụ Hè Thu năm 2016 ở một số địa phương khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.