Lâm Đồng: Sát sao khắc phục hậu quả cà phê nhiễm sương muối

Hạnh Phạm

(Tài chính) Trong thời gian qua, hiện tượng sương muối đã gây tổn thất lớn đối với cây cà phê ở huyện Lâm Hà và Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh sự nổ lực của bà con nông dân thì UBND tỉnh cũng đã đồng hành sát sao, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, tình trạng sương muối gây hại cà phê ở Lâm Hà được thống kê ban đầu với khoảng 840ha, trong đó chiếm nhiều nhất là ở các xã Đông Thanh (300ha), Gia Lâm (250ha), Phi Tô (100ha); tiếp theo gồm các xã Nam Hà (60ha), Phú Sơn (60ha), Mê Linh (10ha), Đạ Đờn (10ha) và thị trấn Nam Ban (50ha). 

Hiện ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà đang tiếp tục điều tra, phân loại mức độ thiệt hại cụ thể trên từng diện tích cà phê của hộ gia đình để triển khai các giải pháp phục hồi đồng loạt trong tuần tới. Cụ thể, theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, nếu cà phê già cỗi bị thiệt hại toàn bộ phần tán thì nên cưa bỏ hoàn toàn để trồng tái canh. Nếu mức độ thiệt hại từ nhẹ đến trung bình đối với cây cà phê kinh doanh, phải cắt bỏ toàn bộ thân, cành bị cháy, đồng thời thu gom cùng với cỏ dại để tủ lên từng gốc cây, giữ độ ẩm cho đất để hạn chế thoát hơi nước.

Ngoài ra cần phải cưa đốn, ghép cải tạo đối với diện tích cà phê “còn trẻ” bị sương muối gây hại phần tán và ngọn cây, sau đó tiến hành tưới nước, bón phân đầy đủ để nhanh chóng nuôi mầm chồi mới phát triển…hống kê chính thức diện tích cà phê chè ở huyện Lạc Dương bị sương muối gây hại trong 2 ngày 10 và 11/3 vừa qua khoảng 700 ha, trong đó có 350 ha bị chết trắng, phải trồng lại hoàn toàn. Đây là một hiện tượng biến đổi khí hậu do nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch với biên độ lớn, gần như xảy ra ngoài dự báo.

Còn ở huyện Lạc Dương, thống kê chính thức diện tích cà phê chè bị sương muối gây hại trong 2 ngày 10 và 11/3 vừa qua khoảng 700 ha, trong đó có 350 ha bị chết trắng, phải trồng lại hoàn toàn. Đây là một hiện tượng biến đổi khí hậu do nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch với biên độ lớn, gần như xảy ra ngoài dự báo.

Ngày 16/3, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã xuống địa bàn kiểm tra mức độ sương muối gây hại trên các diện tích cà phê trọng điểm thuộc các xã Đạ Sar, Đạ Nhim của huyện Lạc Dương. Tại đây, báo cáo tổng hợp của UBND huyện Lạc Dương cho biết: Trên tất cả 5 xã và thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương đều có diện tích cà phê nhiễm sương muối với hậu quả thiệt hại gồm: 350 ha cà phê trên 3 năm tuổi bị chết cháy 1/3 tán cây phía trên ngọn, toàn bộ hoa, quả non bị thui rụng; còn lại 350 ha cà phê dưới 3 năm tuổi đều chết khô cháy 100%. Ước tính khoảng 1.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu (chiếm hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số) có diện tích cà phê bị thiệt hại. Và tính chung toàn huyện Lạc Dương thì tỷ lệ diện tích cà phê bị sương muối tấn công trực tiếp khoảng 20% trên tổng diện tích cà phê hiện có.

Ngay sau khi kiểm tra thực tế hậu quả xảy ra, UBND huyện Lạc Dương đã có công điện chỉ đạo trên 6 xã, thị trấn trong huyện và các phòng, ban chuyên môn kịp thời chia sẻ, động viên bà con nông dân không nên quá hoang mang mà cần tập trung nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hành các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp Lâm Đồng để nhanh chóng phục hồi số diện tích cà phê bị thiệt hại vì sương muối. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương phối hợp với chính quyền các địa phương và các phòng, ban chức năng đề xuất hỗ trợ 100% các giống cây màu ngắn ngày cho bà con nông dân trồng trên diện tích cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản bị thiệt hại trắng. Đồng thời tích cực triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu giúp nông dân bị thiệt hại “cà phê sương muối” trồng mới tái canh cà phê và trồng xen cây màu ngắn ngày, nhằm sớm ổn định sản xuất trở lại như: Chương trình trợ giá giống cây trồng năm 2015; Đề án nâng cao giống cây trồng, vật nuôi; Chương trình 135; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững…Trong “mùa giáp hạt” các tháng 10, 11 và 12 năm 2015, khoảng 5.000 nhân khẩu có diện tích cà phê bị sương muối hủy hoại, không thể có hoa lợi thu hoạch hoặc thu hoạch hoa lợi không đáng kể, UBND huyện Lạc Dương sẽ trích ngân sách cứu trợ 45kg gạo/nhân khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S đánh giá cao những nỗ lực của UBND huyện Lạc Dương trong việc phối hợp triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả cà phê nhiễm sương muối thuộc 6 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với UBND huyện Lạc Dương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xử lý trên từng diện tích cà phê bị nhiễm sương muối. Cụ thể như hướng dẫn trực tiếp các quy trình thu dọn, vệ sinh đất vườn, đào hố trồng mới cà phê có xen canh với các loại cây hoa màu ngắn ngày; hoặc cưa, cắt bỏ những phần cành nhánh cà phê bị nhiễm sương muối, tăng cường tưới nước, bón các loại phân bón để tạo rễ nhanh, khôi phục lại tán cây có khả năng ra hoa, đậu trái cho mùa sau. Đặc biệt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do sương muối tái diễn, trên từng thửa vườn cà phê cần trồng thêm các loại cây che bóng như hồng, bơ, mắc ca, muồng hoa vàng…Riêng nguồn giống cà phê trồng mới cần phải chọn lựa từ các vườn ươm đầu dòng trong tỉnh Lâm Đồng, dự kiến trong tháng 5 và tháng 6/2015 là thời điểm mùa mưa đến phải hoàn thành việc phủ xanh cà phê mới trên diện tích cà phê cũ bị sương muối gây hại hoàn toàn. UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chuyển lại cho huyện Lạc Dương khắc phục hậu quả cà phê nhiễm sương muối với 13 tỷ đồng nguồn vốn nằm trong chương trình tái canh cà phê năm 2015 trên địa bàn.

Đặc biệt, đồng hành với các giải pháp kỹ thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S cũng đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương triển khai các hình thức tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng trên từng địa bàn giúp cho người dân hiểu được sương muối là một hiện tượng tự nhiên khi nhiệt độ đột ngột xuống thấp, khiến hơi nước đóng băng thành những hạt nhỏ và trắng như muối phủ xuống gây phá vỡ các tế bào trong thân cây, làm cây bị cháy lá, khô cành. Sương muối không phải gây hại cà phê bởi chất muối mặn. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, để ngăn chặn sương muối xuất hiện gây hại về lâu dài trên cây cà phê, bên cạnh giải pháp trồng cây che bóng là giái pháp tưới nước, tủ gốc, hun khói làm giảm bức xạ từ hơi đất khi trời lặng gió, nhiệt độ xuống thấp, ẩm độ cao…/.