Làm giàu từ phát triển mô hình cây na núi đá ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn

H. Quang

(Taichinh) - Hiện nay huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn trở thành vùng trồng na lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc, biến cây na thành nội lực của huyện để phát triển, trong tương lai tỉnh Lang Sơn phấn đấu đưa cây na trở thành cây trồng có thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cùng với những cây trồng mũi nhọn của tỉnh gồm quýt, hồng, đào, hồi, nhãn.

Hiện nay huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn trở thành vùng trồng na lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn trở thành vùng trồng na lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chi Lăng là xã có khoảng 80% là người dân tộc Nùng, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông lâm nghiệp và trồng cây ăn quả, vì vậy lĩnh vực này chiếm đến 75% trong tỷ trọng kinh tế. Tận dụng những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã Chi Lăng cũng như cả huyện Chi Lăng đã chủ động phát triển và xây dựng các vùng chuyên canh cây nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Như cây na dai, toàn huyện Chi Lăng đã có gần 1.200 ha trồng na mang lại thu nhập cho người dân trên 100 tỷ đồng. Riêng xã Chi Lăng đã có 500 ha trồng na dai, 120ha trồng vải thiều, hồng, bưởi Diễn. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, quan tâm đầu ra nên đến nay, na dai Lạng Sơn vừa có năng suất cao, vừa đảm bảo chất lượng, trở thành mặt hàng được nhiều người biết đến.

Vùng trồng na huyện Chi Lăng có địa hình núi tựa vào núi, tạo thành thung lũng lớp lớp chạy dài, nhưng núi vươn cao đến đâu, cây na được trồng đến đó. Huyện Chi Lăng có 83% là người dân tộc Nùng, cây na được trồng chủ yếu ở 5 xã và thị trấn gồm : Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, trên các dãy núi đá Cai Kinh lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại, gồm các dãy núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên.., thuộc vùng cung Bắc sơn có nhiều sườn núi dốc đứng với độ cao trên 400m, nơi đây vốn được coi là “ải hiểm tựa lên trời” với danh truyền “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 người đến, chỉ có một người quay trở về). Nhưng với sự cần cù lao động, cây na “ đã trèo” lên núi đá, ngự trị trên vùng núi đá và trở thành cây trồng chính, cây hàng hóa mũi nhọn của huyện Chi Lăng, cây xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

Cây na được hình thành và phát triển trong điều kiện từ cái khó ló cái khôn và người dân Chi Lăng đã biến cái khó thành nội lực phát triển. Vì thiếu đất canh tác, do điều kiện họ cùng phải nhau sống và chấp nhận trên vùng núi hiểm trở này và họ đã thay đổi quan niệm sống, vác đất lên núi đá và trồng thử nghiệm một số cây trồng trên núi đá, ban đầu chỉ có một số hộ dân thử trồng cây na,lấy giống từ huyện Hòa Đức Hà Nội lên, nhưng thử nghiệm đó đã trở thành một phát minh của người nông dân, cây na đặc biệt thích ứng với vùng núi đá ở đây, vì thế nhà nhà đua nhau trồng cây na, diện tích ngày càng mở rộng, từ vạt núi này sang vạt núi khác, năm 1997 từ 500 ha đến năm 2013 tăng lên đến hơn 1.000 ha.

Với diện tích 1.300 ha, kết thúc vụ na năm 2014 người dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, vô cùng phấn khởi về một vụ na bội thu, vừa giữ được giá, vừa thu hái đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, ước thu nhập được trên 100 tỷ đồng. Điển hình có gia đình ông Nông Văn Lợi, trồng 5000 gốc na, thuê 40 người chuyên thu hái thu nhập 1,5 tỷ đồng/ vụ, khoảng 40% hộ trồng na của huyện có thu nhập 100 triệu đồng / vụ. Kết thúc vụ na năm 2014 toàn huyện thu nhập gần 100 tỷ đồng cho người trồng na.

Trong xây dựng nông thôn mới, một trong những kinh nghiệm của địa phương là phát huy được vai trò tích cực, chủ động của người dân, đồng thời lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất đi kèm với dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng do vậy tạo được hiệu quả cao, đồng bộ, bước đầu tạo sự phát triển toàn diện, bền vững ở một xã nông thôn miền núi, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 22 triệu đồng/năm, vượt 46% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.