Ngành Nông nghiệp: Làm gì để phát huy lợi thế trong hội nhập

PV.

Tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã và đang được triển khai rộng khắp, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đòi hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay bên cạnh việc tái cơ cấu phải gắn với việc phát huy, tận dụng được lợi thế của ngành Nông nghiệp trong môi trường hội nhập.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, khắc phục hạn chế

Sau 30 năm đổi mới, ngành Nông nghiệp Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc tái cơ cấu ngành cần tiến hành để nông nghiệp có thể bước sang một giai đoạn mới.

Giải pháp căn cơ đối với nông nghiệp đã được xác định đó là triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2013. Năm 2014, để thực hiện chủ trương này, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng và đang quyết liệt triển khai 16 đề án.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đó là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản. Chính phủ cũng đang chỉ đạo, xây dựng các nghị định về chính sách khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đổi mới các nông lâm trường quốc doanh…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, khâu đột phá trong tái cấu trúc nông nghiệp được xác định là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt triển khai thực hiện; tập trung xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh trên ứng dụng khoa học công nghệ trên thực tế, trong đó phối hợp triển khai Luật khoa học công nghệ cùng với Bộ khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, quan hệ giữa sản xuất và thị trường là vấn đề lớn. Bộ đã cùng các địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng cho biết thêm, ngành sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, để nền nông nghiệp gắn kết với thị trường.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch và hầu hết tất cả các lĩnh vực đều có chiến lược đến 2020; từng loại cây, con đều có quy hoạch và đang lần lượt được rà soát lại. Các chiến lược, quy hoạch đều theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đất đai giao cho người dân, nên quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng và khuyến cáo cho nhân dân; qua tuyên truyền khuyến khích và thực hiện chính sách để người dân thấy có lợi trong thực hiện quy hoạch.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án và có kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu, lựa chọn một số nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị định của Chính phủ và đã có một số kết quả. Tuy nhiên, những kết quả trên mới là bước đầu. Thực tế cũng còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng.

Theo TS. Trần Du Lịch, từ trước tới nay, ngành nông nghiệp trong nước chủ yếu dựa vào “ưu đãi” tự nhiên và sự cần cù lao động của nông dân. Đặc biệt, nước ta cũng đóng góp 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn bấp bênh và không đủ sống. Do đó, cần tập trung vào những chính sách để gia tăng giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Do vậy, thời gian tới, phương thức sản xuất cần có những đổi mới và chuyển hướng để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, “cung vượt hơn cầu”...

Để triển khai thực hiện chủ trương này hiệu quả hơn, có tác động rõ nét, góp phần tăng nhanh thu nhập của bà con nông dân cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành địa phương, cũng như cần bổ sung thêm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiều chủ trương.

Nâng cao vị thế cạnh tranh

Việt Nam cùng các thành viên đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những lợi ích do TPP mang lại đối với nền kinh tế nước ta là rất lớn; tuy nhiên thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Ngành nông nghiệp Việt Nam được xem là lĩnh vực chịu nhiều tác động của TPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Câu chuyện hội nhập, nhất là TPP đang nóng đến tận bờ ruộng. Nhiều chuyên gia cũng như người nông dân bày tỏ lo ngại cho ngành nông nghiệp nước ta. Điều này hoàn toàn có lý, bởi nông nghiệp nước ta là nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ; rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, giảm thuế, tự do hóa thương mại... thì hàng hóa với giá rẻ của các nước có thể xâm nhập vào thị trường chúng ta; ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, sự lo ngại chính đáng đó có thể cũng chỉ đúng với một số trường hợp. Nước ta cũng có những mặt hàng mà chúng ta đã, đang và sẽ có thể xuất khẩu với hiệu quả cao hơn so với các nước khác. Ví dụ như lúa gạo. Rõ ràng, ngành lúa gạo của nước ta có thể cạnh tranh hiệu quả với các nước trong TPP như: Nhật, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Ma-lai-xi-a. Ở trong khối TPP chỉ có Mê-hi-cô sản xuất cà phê. Rõ ràng cà phê của chúng ta có thể cạnh tranh hiệu quả với cà phê của Mê-hi-cô.

Trong lĩnh vực chăn nuôi. Dù chăn nuôi của nước ta hiện chủ yếu dựa vào các hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ; trình độ kỹ thuật không cao nên giá thành cao và tính bền vững thấp. Trước tình hình đó, chúng ta cần phải bình tĩnh rà soát để chọn cho mình những hướng đi phù hợp, phát huy được lợi thế của chúng ta.

Lợi thế của chúng ta là có điều kiện về khí hậu nhiệt đới, nhân công rẻ, nhưng không chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có mà cần phải chủ động, tiếp thu những thành tựu về KHCN của các nước để tiếp sức, làm cho những lợi thế của chúng ta phát huy một cách hiệu quả hơn.

Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn công tác tới làm việc với những nước có nền chăn nuôi tiên tiến như: Chăn nuôi lợn ởĐan Mạch;chăn nuôi gia cầm ởMỹ; chăn nuôi gia súc ở Ô-xtrây-li-a... để tìm hiểu, tiếp thu những giống mới, công nghệ mới. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chính sách để hỗ trợ cho chăn nuôi hộ gia đình có hiệu quả cao hơn. Với tinh thần sáng tạo, chủ động của nhân dân; sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, chúng ta vẫn có thể tìm ra cách làm đúng đắn, duy trì sản xuất để tạo thu nhập cho bà con nông dân trong bối cảnh đó.

Ngoài ra, câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình phát triển, hội nhập. Đòi hỏi của thị trường ngày càng khắt khe và không thể chấp nhận những sản phẩm không đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đáp ứng cùng một lúc rất nhiều mục tiêu như thế thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Một là phải tổ chức lại sản xuất. Hai là, hỗ trợ người dân áp dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật. Muốn sản xuất rau an toàn, phải tổ chức cho nông dân thực hiện theo các hình thức hợp tác để cùng nhau áp dụng các quy trình sản xuất tốt. Chỉ trên cơ sở đó mới tổ chức liên kết được theo chuỗi để tiêu thụ nông sản, với giá thuận lợi hơn, bền vững hơn.

Chúng ta không thể kiểm soát được nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức sản xuất từng hộ, với những cánh đồng, mảnh ruộng rất nhỏ lẻ và sản xuất theo quy trình mà không bảođảman toàn vệ sinh thực phẩm