Ngành nông nghiệp sẽ thua nếu không cải thiện chất lượng giống

Đinh Quang Duy

(Tài chính) Là quốc gia nông nghiệp với sản lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây, cà phê, mía đường … hàng đầu thế giới nhưng hiện nay chất lượng giống cây trồng, vật nuôi của Việt Nam vẫn chưa đảm bảo, thậm chí lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng đứng trước ngưỡng hội nhập toàn diện, nền nông nghiệp nước ta sẽ thua nếu không cải thiện về chất lượng cây, con giống.

Tạo ra sự đột phá về giống là cách hiệu quả nhất để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. ảnh Internet
Tạo ra sự đột phá về giống là cách hiệu quả nhất để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. ảnh Internet

Phụ thuộc giống nhập khẩu

“Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu nhưng lại nhập khẩu 65% - 70% giống lúa lai F1 là điều toàn xã hội không thể chấp nhận”, đó là nhận xét của GS. TS  Bùi Bá Bổng - chuyên gia cao cấp của FAO (Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc) và nguyên là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong một hội thảo chuyên ngành. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy diện tích gieo trồng lúa lai cả nước chỉ chiếm 8%, tương đương khoảng 600.000 ha trong tổng số 7,8 triệu ha lúa canh tác mỗi năm, tập trung chủ yếu các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung bộ. Mỗi năm cả nước nhập 11.000 - 12.000 tấn giống lúa lai F1 để cung cấp cho nông dân trồng khoảng 400.000 ha, với giá trị gần 40 triệu USD từ nhiều nước như Ấn Độ, Philippines, nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Lượng giống lúa lai sản xuất trong nước dao động 5.000 - 6.000 tấn tùy năm. Như vậy, nếu nghiên cứu để tạo ra giống lúa lai F1 sản xuất ngay trong nước, mỗi năm cả nước có thể tiết kiệm gần 40 triệu USD.

Gần đây, câu chuyện về những yếu kém của ngành mía đường Việt Nam cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú vạch ra trong bài viết của ông đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Một trong những yếu kém đó là nhiều năm qua, Hiệp hội và các doanh nghiệp mía đường đã không phổ biến được các giống mía mới, năng suất cao tại Việt Nam để tăng năng suất và hiệu quả canh tác. Năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện nay là 60 tấn mía/ha trong khi năng suất của Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha, của Hoàng Anh – Gia Lai (tại Lào) là 120 tấn/ha.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hàng năm Việt Nam phải bỏ ra 500 triệu USD để nhập khẩu hơn 8.000 tấn hạt giống các loại để cung ứng cho 700.000ha rau cả nước. Một con số đầy hấp dẫn đối với những doanh nghiệp sản xuất giống. Nhưng không phải doanh nghiệp nội  nào cũng có thể tham gia do yêu cầu về chất lượng rất cao. Vì vậy, dù đây là thị trường hấp dẫn nhưng từ lâu Việt Nam là “sân nhà” của các tập đoàn nước ngoài như Monsanto, Syngenta, Takii, Sakata, East West…  Bên cạnh đó, hiện 80% thị phần hạt giống rau tại Việt Nam là từ các công ty nước ngoài cung cấp. Các công ty trong nước chiếm chưa đến 10%, phần còn lại do người nông dân tự giữ giống. Riêng giống hoa, nhất là các giống hoa nhiệt đới như lan Mokara, Dendrobium, Catleya, hay lan xứ lạnh Hồ Điệp…  không chỉ nhập khẩu giống mà còn nhập cả sản phẩm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và trong nước chưa đáp ứng kịp.

Quả thật, chúng ta đang đặt ra mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững và tạo ra sự đột phá về giống là cách hiệu quả và tất yếu nhất để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Một cuộc cách mạng về giống cây trồng, vật nuôi là bệ phóng để nền nông nghiệp Việt Nam tiến tới xây dựng hình ảnh về một nước có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Thị trường nhiều tiềm năng

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức khảo nghiệm mô hình sản xuất giống lúa lai F1 và sơ kết 1 năm mô hình phát triển hạt lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống trong nước, cho thấy diện tích sản xuất giống cũng như sản lượng giống lúa lai gần đây tăng lên ở phía Nam, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu giống gieo trồng hàng năm, số còn lại phải nhập khẩu.  Điều mà các nhà khoa học và quản lý nhận thấy, các tỉnh phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi sản xuất giống lúa lai F1 để cung cấp cho các tỉnh, thành ở nhiều khu vực cả nước theo hướng “Nam sản, Bắc tiêu” - phía Nam sản xuất giống lúa lai F1, cung cấp cho miền Bắc và các tỉnh sản xuất lúa lai thương phẩm là chiến lược của nhà nước từ hơn 10 năm trước. 

Thế nhưng, để mở rộng diện tích trồng các giống lúa lai F1 nói trên cần phải có nông dân tiên tiến, bên cạnh sự cần cù, chịu khó.  Ngoài ra, yếu tố cần có hiện nay trong bối cảnh cả nước hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… là yếu tố chuyên nghiệp, không chỉ tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác giống theo yêu cầu.

Hiện cũng đã có những doanh nghiệp trong nước bắt đầu lấn dần vào lĩnh vực này khi mà trước đó chủ yếu do các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài chiếm lĩnh. Đơn cử, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC), một doanh nghiệp lớn về sản xuất, cung ứng các giống bắp lai, lúa lai, các giống rau ăn quả và củ, đã thành lập Trung tâm Giống rau hoa (CVF) để tham gia thị trường này. Tiến sĩ Trần Quốc Vọng - Giám đốc CVF cho biết, tại đây sẽ triển khai theo mô hình chuỗi giá trị ngành hàng, định hướng thị trường và lấy chất lượng làm trọng tâm, bằng cách đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua công nghệ sinh học và canh tác tiên tiến để có sản phẩm mới mang hàm lượng chất xám cao. Vì vậy, hạt giống mới mà CVF sản xuất và kinh doanh có khả năng cạnh tranh cao, mang lại những tính năng như thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; năng suất cao, chất lượng được cải thiện. Theo Tiến sĩ Trần Quốc Vọng, Nhà nước cần tạo điều kiện để DN đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ; mua bản quyền trí tuệ; xây dựng và thực hiện những mô hình nông nghiệp hiện đại để sử dụng được lợi thế nguồn nhân lực nhiều và trẻ ở nông thôn. Ngược lại, doanh nghiệp nông nghiệp cũng phải có đủ điều kiện về nhân sự và cơ sở hạ tầng để biến ý tưởng thành việc làm cụ thể. Có như vậy mới hội nhập và tiến sâu vào thị trường nông nghiệp vừa là lợi thế sân nhà, vừa là nơi diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt khi TPP và AEC mở ra cho Việt Nam vào năm 2015.