Ngành tôm Việt Nam hóa giải những thách thức

PV.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm giải quyết những “điểm nghẽn” để đưa con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia, có vị trí xứng đáng trên thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới và tạo lập chuỗi giá trị ngành tôm hiệu quả, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt các lợi thế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) thăm mô hình nuôi tôm Việt - Úc
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) thăm mô hình nuôi tôm Việt - Úc

Hiện nay, ngành tôm Việt Nam thu hút khoảng 4 triệu hộ gia đình nuôi tôm thương phẩm. Tôm là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch dao động từ 3 – 4 tỷ USD/năm. Ngành tôm mang lại nhiều việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên, không ngoại lệ, ngành này đang tồn tại 3 thách thức chung của nông nghiệp Việt Nam. Đó là phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ hội nhập khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA kiểu mới mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán.

Nhiều cơ hội đan xen thách thức

Mới đây, tại Hội nghị Quản lý tôm giống nước lợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: Tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 2 nguyên lý là khai thác lợi thế và tổ chức sản xuất trên quy mô hàng hóa, với nền tảng áp dụng công nghệ cao, trình độ quản trị tốt. Dựa trên quan điểm này, Bộ NN&PTNT đánh giá nuôi trồng thủy sản còn nhiều cơ hội phát triển.

Trong khi lĩnh vực khai thác hải sản đã tới hạn, thì lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là thế mạnh có thể mở rộng và thúc đẩy, nâng tầm chuỗi giá trị gia tăng. Đặc biệt, nuôi tôm đang nắm lợi thế nhất, bởi Việt Nam sở hữu Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích nuôi trồng khoảng 1 triệu hec-ta (trong đó 700.000 héc-ta nuôi tôm) và diện tích này có thể tăng thêm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khả năng Việt Nam phải tính toán lại và chuyển một phần của 2 triệu héc-ta đất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Cùng với thị trường xuất khẩu tôm rộng mở, nhu cầu tôm trên toàn thế giới luôn gia tăng và chưa có giới hạn, góp phần tạo nên những riển vọng sáng sủa của ngành này.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNNT nhận định rằng, ngành tôm còn nhiều bất cập vì vẫn phát triển theo chiều rộng, quy mô nhỏ lẻ, khai thác dựa trên các yếu tố tự nhiên như đất đai, nguồn nước, lao động… Yếu tố khoa học công nghệ, cách thức tổ chức chuỗi giá trị còn lỏng lẻo nên chưa có một thương hiệu mang tầm quốc gia mạnh, chưa hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, các vấn đề căn cốt để xây dựng ngành tôm hiệu quả, bền vững còn hạn chế, từ giống, thức ăn, chuỗi chế biến, thị trường… và vấn đề quản lý nhà nước chưa được hoàn thiện. Các chính sách khuyến khích, cơ chế kiểm soát, tổ chức thực hiện, quy hoạch phát triển cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành tôm phát triển nhanh nhưng chưa tập hợp đủ mạnh, chưa có hiệp hội ngành hàng để thống nhất định hướng cho sản xuất, quy mô nhỏ lẻ. Công tác quản lý nhà nước ở các địa phương còn bất cập.

Quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất ngành tôm là khâu tôm giống, đây yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sự thành bại của cả chuỗi. Hiện tại, sản xuất tôm giống Việt Nam đang có nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận nhận định: “Thách thức lớn nhất là vấn đề diễn biến thời tiết ngày một khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, nước biển ô nhiễm, chi phí sản xuất tăng cao. Vấn đề quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương chưa chặt chẽ. Tình trạng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng được bán tràn lan”. Việc tôm bố mẹ chưa được kiểm soát chặt chẽ, thật giả lẫn lộn là một nguyên do gây dịch bệnh, tôm chậm lớn, nhiễm đốm trắng... gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Ông Hoàng Anh cho biết thêm, bất cập trong quản lý thuốc thú y, thủy sản là một vấn để rất đáng báo động. Công tác kiểm soát thị trường thuốc thú y, thủy sản còn lỏng lẻo nên một lượng lớn thuốc hóa chất, men vi sinh chất lượng kém lưu thông trên thị trường gây ra hậu quả khôn lường và tác động rất lớn, trực tiếp tới môi trường nuôi tôm. Bên cạnh đó, khâu thương mại cũng đang là nỗi lo lớn. Thực trạng các doanh nghiệp nhỏ lẻ thu gom tôm giống tràn lan từ cơ sở sản xuất, rồi đóng gói bao bì nhãn mác của mình xuất bán, đã tiếp tay cho việc sản xuất sử dụng kháng sinh vô tội vạ, làm tôm giống còi, chậm lớn, nhưng không truy xuất được tôm giống sản xuất tại cơ sở nào. Hiện tượng doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất giống, nhưng vẫn có tôm giống bán trên thị trường khá phổ biến.

 Hóa giải thách thức như thế nào?

Để phát huy lợi thế, phát triển ngành tôm Việt Nam bền vững tương xứng với tầm vóc, Bộ NN&PNNT đang hoạch định chiến lược trong thời gian tới. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xây dựng Chương trình tổng thế tôm nước lợ hướng tới hình thành ngành công nghiệp tôm, với nội hàm là phát triển và nâng cao chất lượng tôm giống, quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, phát triển các hình thức nuôi tôm lúa, nuôi tôm quảng canh… cùng với xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ, đề suất các chính sách khuyến khích, đầu tư phù hợp…

Song song với đó, Bộ NN&PNNT cũng ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu chọn tạo giống tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh, giải pháp kỹ thuật cải thiện năng suất, chất lượng vùng tôm quảng canh, các giải pháp nuôi tôm thâm canh bền vững và đề suất bổ sung tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng tăng trưởng âm, đồng thời, thúc đẩy ngành tôm phát triển, Bộ NN&PNNT đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường chỉ đạo và ban hành kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm  2016. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được tăng cường thực hiện như quản lý, chỉ đạo sản xuất, phổ biến hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đề xuất các chính sách hỗ trợ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Hoàng Anh, để hóa giải các thách thức, ngành tôm cần có các giải pháp đồng bộ. Trước tiên, cần siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, bởi đây là mắt xích rất quan trọng. Theo đó, công tác quản lý cần tập trung vào những nhóm giải pháp như tăng cường nhân lực, siết chặt công tác quản lý nhà nước về nuôi tôm, đặc biệt các tỉnh có sản xuất tôm giống. Thậm chí, thành lập đường dây nóng để người dân phản ánh về chất lượng, công tác quản lý và khắc phục chồng chéo trong quản lý.

Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận đặc biệt cảnh báo khâu quản lý tôm bố, mẹ. “Hiện nay chúng ta đã xây dựng và thực hiện được quy trình quản lý rất rõ ràng và kiểm soát tôm bố mẹ nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cần kiểm tra và chỉ cấp phép bán vào Việt Nam cho tập đoàn nước ngoài sản xuất tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng. Đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước, việc nhận chuyển giao công nghệ, hoặc nghiên cứu tạo đàn tôm bố mẹ, chỉ nên được tiến hành khi đáp ứng điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nghiên cứu khoa học đầy đủ. Kết quả nghiên cứu chỉ được phổ biến rộng rãi khi đã được kiểm định chất lượng”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát, đánh giá về chất lượng đàn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Theo đó, phải có quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng xét nghiệm bệnh, quy trình giám sát cụ thể. Đặc biệt, khi sản xuất giống phải đóng gói bao bì, ghi rõ là giống sản xuất do nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Cự, một đơn vị  sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại Bình Thuận cho biết, cần có giải pháp mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng tôm bố mẹ lấy từ tôm thịt hoặc nhập lậu từ Trung Quốc đang gây thiệt hại khá nghiêm trọng. Ông Cự cũng nêu ý kiến, cần có quy định quản lý chặt chẽ khâu thương mại. Cụ thể, mỗi một cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống chỉ được đăng ký một thương hiệu. Bởi hiện nay, có tình trạng một cơ sở sản xuất đăng ký nhiều thương hiệu gây tình trạng “hỗn loạn” thương hiệu. Điều đáng nói, các đơn vị này không có trại sản xuất mà chỉ đi thu gom tôm giống rồi bán, nên chất lượng rất khó kiểm soát.          
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống kiến nghị Bộ NN&PTNT, cần siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc thú y, thủy sản, chế phẩm sinh học xử lý cải tạo môi trường, cũng như phương thức mua bán tôm giống tại các chợ tôm giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo chất lượng cho người nuôi tôm.