Nhiều giải pháp tín dụng hỗ trợ xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản

PV.

Xác định nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nửa năm xuất siêu 3,06 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD.

Trong các mặt hàng nông sản, hạt điều và sắn là hai ngành hàng duy nhất có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Theo đó, 6 tháng đầu năm, khối lượng điều xuất khẩu đạt 150 nghìn tấn với giá trị ước đạt 1,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2,83 triệu tấn, với giá trị 844 triệu USD, tăng 50,5% về khối lượng và tăng 42,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái...

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, cà phê là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất cả về khối lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 687 ngàn tấn, giảm 35,8% về khối lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đối với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 3,055 triệu tấn và 1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp đã xuất siêu 3,06 tỷ USD.

Nhiều giải pháp tín dụng hỗ trợ xuất khẩu

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn thuộc các lĩnh vực này; giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm; điều hành tỷ giá linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàngxuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ; DN trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý. NHNN cũng đã cho phép các TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ của DN; nâng cao hiệu quả thẩm định đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ cấu lại các khoản vay lãi suất cao trước đây…

Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ sản xuất,xuất khẩu nông lâm thủy sản được NHNN quyết liệt triển khai như: Cho vay tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi và thủy sản (giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 7%/năm); chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn (được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng; hoặc được khoanh nợ tối đa 03 năm đồng thời được tiếp tục cho vay mới); cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay tái canh cây cà phê, cho vay kinh doanh lúa gạo và cho vay tạm trữ lúa gạo; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, lãi suất cho vay thấp hơn thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% phương án, dự án; mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín có thời gian vay trên 12 tháng nhưng không quá 18 tháng; có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, từ ngày 09/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, kể từ ngày 25/7/2015, các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau: Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp; Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ...

Cũng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, đối với chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Ngoài ra, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết…

Đối với chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của khách hàng. Ngoài ra, các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng tiếp tụccó ý kiến chỉ đạo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Theo đó, Phó Thủ tướng giao NHNN tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.