Nông dân Hàm Yên làm giàu từ phát triển vùng chuyên canh

H.Quang

(Taichinh) - Sau 5 năm thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, kinh tế - xã hội huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã có những bước chuyển tích cực. Nổi bật nhất là trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Phạm Văn Luận xã Tân Thành (Hàm Yên).
Sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Phạm Văn Luận xã Tân Thành (Hàm Yên).

Lãnh đạo Huyện ủy Hàm Yên cho biết: Do xuất phát điểm kinh tế của huyện còn thấp, nên ngay từ khi bàn thảo để xây dựng nghị quyết, Ban chấp hành Ðảng bộ huyện đã tập trung đánh giá kỹ tình hình địa bàn. Từ đó xác định chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; trong đó quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc xây dựng nghị quyết sát với điều kiện thực tiễn đã đem lại hiệu quả cao, kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ gia đình nghèo giảm.

Đến nay, huyện Hàm Yên hiện đã hình thành được vùng chuyên canh cam, chè, mía mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó diện tích vùng mía nguyên liệu là 1.308,1 ha; vùng cam là 4.602,67 ha; vùng chè hơn 2.163 ha. Điểm nổi bật là tại khu vực tám xã phía bắc của huyện Hàm Yên đã được quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất cam với thương hiệu cam sành nổi tiếng, một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Huyện ủy Hàm Yên đã chỉ đạo xây dựng và ban hành một chương trình riêng về phát triển cây cam gắn với việc giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục duy trì và mở rộng các điểm bán hàng, nhằm ổn định giá bán trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cùng việc rà soát, bổ sung quy hoạch vùng cam tạo hành lang pháp lý để phát triển, huyện đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh tổ chức tập huấn đào tạo kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu, tổ chức hội thảo đối thoại chính sách công, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn huyện. Thành lập các đoàn đi xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố nắm bắt thị trường. Mở hội nghị tiêu thụ đánh giá tình hình sản xuất, khả năng tiêu thụ cam, phân tích nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường, xây dựng kế hoạch tiêu thụ, hướng dẫn nhân dân tổ chức tiêu thụ, tổ chức bán hàng. Tăng cường quảng bá thương hiệu Cam sành Hàm Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại.

Cây cam là cây trồng chủ lực của Hàm Yên, cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất cam với thương hiệu cam sành nổi tiếng, hiện huyện cũng áp dụng nhiều mô hình trồng thử nghiệm cam giống mới theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án trồng thử nghiệm cam giống mới được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai từ năm 2012 với diện tích 2 ha tại xã Yên Lâm, gồm các giống cam Valenxia, cam Vinh và cam sành Hàm Yên nhằm tiếp tục lựa chọn bổ sung cơ cấu giống cam, đồng thời nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu hoạch giải vụ cho bà con nông dân, như cam Valenxia thu hoạch vào tháng 2, cam Vinh thu hoạch tháng 10 và cam sành Hàm Yên thu hoạch từ tháng 11 - 12 hàng năm.

Nhằm tiếp tục thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các giống cam mới, đầu năm 2015, Hàm Yên tiếp tục trồng thử nghiệm mô hình cam BH32 tại 4 xã là Yên Lâm, Yên Phú, Phù Lưu và Tân Thành với diện tích 2 ha và hỗ trợ cho bà con nông dân tham gia mô hình 100% cây giống, 60% phân bón, hiện nay bà con nông dân đã hoàn thành trồng xong 100% diện tích.

Vùng nguyên liệu mía của huyện tập trung phát triển nhiều tại các xa Bình Xa, Tân Thành, Thái Sơn, Minh Hương, Đức Ninh... Cùng với việc mở rộng diện tích, huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình đầu tư thâm canh. Nhờ đó năng suất mía nguyên liệu ở Hàm Yên trong niên vụ 2014 - 2015 đạt bình quân 63 tấn/ha. Mục tiêu huyện hướng tới trong niên vụ mía năm nay là đạt tổng sản lượng trên 78 nghìn tấn.

Cùng với cây mía, cây chè cũng được huyện chú trọng phát triển. Nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn huyện cung cấp cho các cơ sở chế biến chủ yếu từ các xã Thành Long, Tân Thành, Thái Sơn, Thái Hòa, Đức Ninh, Hùng Đức... Dự kiến năm 2015 năng suất chè của huyện đạt bình quân khoảng 81 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 15.205 tấn. Ngoài việc hình thành các vùng chuyên canh cây chè, trồng tập trung, huyện cũng xây dựng các vùng chè sạch nhằm đưa thương hiệu chè vươn xa tới nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thôn 3 và thôn 5 Làng Bát, xã Tân Thành được triển khai thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP từ đầu năm 2013 với diện tích 5 ha, gồm 19 hộ gia đình tham gia và được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí mua vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nay, ngoài vùng cam hàng hóa, Hàm Yên cũng đã quy hoạch và tập trung phát triển các vùng sản xuất, trong đó cây chè với 1.806 ha; vùng mía với 670,3 ha; mỗi năm đều vượt chỉ tiêu trồng rừng sản xuất với hơn 2.000 ha. Kinh tế phát triển nên tỷ lệ hộ gia đình nghèo ở huyện giảm đáng kể, chỉ trong năm 2012 đã giúp được 1.553 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 25,57%.