“Nóng” lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

PV.

Tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng báo động không chỉ trong chăn nuôi mà còn trong nuôi thủy sản đã trở thành chủ đề "nóng", sự quan tâm lớn của xã hội thời gian qua.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm” doTrung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức từ ngày 4 - 5/7/2016, tại tỉnh Nghệ An.

Diễn đàn nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi, chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm, không lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Lạm dụng kháng sinh trong thủy sản đáng báo động

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho hay, lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã tăng một cách đáng lo ngại trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015 đã có tới có 32.000 tấn hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị trả về với lý do là dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Năm 2015 có 40 lô hàng bị phát hiện vi phạm có tồn dư hóa chất trong tổng số 181 lô hàng bị cảnh báo an toàn thực phẩm, gấp gần 3 lần so với năm 2014.

Trong 9 tháng gần đây, có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tạm ngừng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm. Tình trạng này, doanh nghiệp "thiệt một", người nông dân "thiệt mười", nghề nuôi trồng thủy sản cũng trở nên bấp bênh.

Theo TS. Bùi Quang Tề, Chuyên gia bệnh thủy sản, khi lượng kháng sinh đi vào cơ thể động vật thủy sản ở mức độ phù hợp, nó sẽ tồn tại trong cơ thể động vật thủy sản, giúp chúng kháng lại dịch bệnh. Tuy nhiên, một khi lượng kháng sinh nhiều hơn mức cần thiết sẽ dẫn đến tồn đọng trong cơ thể thủy sản. Các kháng sinh tồn đọng này sẽ làm xuất hiện vi khuẩn biến thể có khả năng chống chọi lại chính các chất kháng sinh. Vì vậy trên thực tế các ao hồ nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng gây thiệt hại lâu dài. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên chính các động vật thủy sản, việc tồn dư kháng sinh trong thủy sản đã và đang gây ra các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, kháng sinh vào đầm nuôi từ 3 con đường chính: Một là từ các công ty nhập khẩu thuốc, chỉ đưa vào sản xuất một phần, một phần bán trực tiếp cho các đầm nuôi; Con đường thứ hai: người nuôi mua thuốc trực tiếp từ cửa hàng dược phẩm; Con đường thứ 3 từ nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nhưng chỉ là số ít. Trong quản lý các kháng sinh, chất cấm, khi phát hiện hành vi vi phạm, sẽ xử lý: dừng không cho kinh doanh nữa và xử phạt hành chính theo quy định.

Xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Để quản lý chất cấm, chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng và địa phương cân fphoois hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm".

Theo đó, ông Tiêu đề nghịTổng cục Thủy sản cần quy hoạch, thiết kế và xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm. Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi (liên kết ngang - dọc); thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác xã nhằm hạ giá thành sản phẩm, ổn định thị trường.Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống, chất xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học, thức ăn.

Bên cạnh dó, Cục Thú y tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản.

Đặc biết, đối với các Trung tâm Khuyến nông địa phương "cần tập trung xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh: nuôi theo công nghệ cao, nuôi VietGAP, nuôi biofloc, nuôi công nghệ sinh học: không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học", ông Tiêu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tăng cường thông tin tuyên truyền các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, bền vững, an toàn thực phẩm để bà con học tập làm theo vànâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm, kháng sinh ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng trên thị trường thế giới và người tiêu dùng trong nước; Phát động phong trào toàn dân “Nói không với chất cấm trong nuôi trồng thủy sản”, vận động nhân dân, bà con nông dân phát hiện tố giác các hành vi vi phạm; Tuyên truyền thúc đẩy hoạt động của đường dây nóng.