Nông nghiệp Hà Nam: Ghi nhận những kết quả tích cực

Minh Đức

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nông nghiệp Hà Nam đã có bước phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 5 năm qua, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với các đề án: chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, trồng nấm, cây vụ đông, cánh đồng mẫu, dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong cung ứng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa…

Tính đến ngày 31/7/2015, toàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện được hơn 4.500 mô hình nuôi lợn bằng công nghệ đệm lót sinh học; gần 1.000 mô hình trồng và nhân giống nấm ăn; 3 doanh nghiệp cung ứng hơn 36.800 tấn thức ăn cho các hộ chăn nuôi theo mô hình liên kết 4 nhà; trên 55.700 hộ dân được Ngân hàng Agribank cho vay 8.700 tỷ đồng để phát triển sản xuất, dịch vụ.

Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa. Tính đến thời điểm 30/8/2015, tổng đàn bò sữa trong tỉnh có gần 1.700 con, theo kế hoạch đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 3.000 con bò sữa cho sản lượng sữa tươi đạt 7 triệu lít.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ mua máy cơ giới hóa áp dụng vào sản xuất nông nghiệp cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình. Do đó, đã nâng mức độ cơ giới hóa khâu làm đất lên trên 80%. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm sức lao động và tăng sản lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, từng bước chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. (Tỷ lệ lao động nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011 – 2015 còn 51,8%, giảm 8,3% so với giai đoạn 2006 – 2010).

Bên cạnh việc hoàn thành dồn đổi ruộng đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng quy hoạch 17 vùng nông nghiệp chất lượng cao với diện tích trên 1.100 ha để triển khai tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đến từ các nước nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Israel và doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, trồng cỏ, ngô phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Với những bước đi và các giải pháp đồng bộ trên, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Hà Nam trong 5 năm đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân 1,57%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi – thủy sản trong nội bộ ngành tăng từ 44,4% năm 2010 lên 49,1% năm 2015. Đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt. Ước tính năm 2015, thu nhập khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người, gấp 2,23 lần so với năm 2010.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Hà Nam sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 4%/năm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn.