Nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập ASEAN

PV.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trên mọi phương diện từ sản xuất, kinh doanh là yêu cầu tất yếu để ngành Nông nghiệp Việt Nam tự tin vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội gia nhập ASEAN.

Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã chia sẻ với phóng viên về thách thức và cơ hội của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong khối cộng đồng ASEAN.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc ASEAN?

Ông Trần Công Thắng: ASEAN là cộng đồng kinh tế lớn với tổng số dân hơn 600 triệu người và tổng số GDP hơn 2.000 tỷ USD. Cộng đồng này hình thành đã tạo cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam nói riêng và các nước thuộc ASEAN nói chung.

Nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập ASEAN - Ảnh 1

Ông Trần Công Thắng

Nhìn sâu vào thương mại của Việt Nam và ASEAN và giữa Việt Nam với thế giới, có thể thấy vị trí của ASEAN  khá quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn theo thời gian, đặc biệt là đối với nông sản nhập khẩu. Ví dụ, năm 2014, nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ ASEAN đã chiếm 25% trong tổng khối lượng NK của Việt Nam trên toàn thế giới và xuất khẩu (XK) cũng chiếm hơn 10%.

Thông qua cán cân thương mại nông lâm thủy sản cho thấy, giữa Việt Nam và ASEAN nhìn chung vẫn đảm bảo cán cân thương mại thăng dư. Tuy nhiên, trong 2 năm 2013-2014, cán cân thương mại Việt Nam bị âm và bị giảm vì chúng ta NK từ ASEAN nhiều hơn XK.

Theo số liệu năm 2014, đối với sản phẩm XK, hiện nay Việt Nam chủ yếu XK sang  Philippin,  Malaisia với sản phẩm chính là gạo. Trong khi đó, đối với sản phẩm NK, chúng ta NK từ 3 quốc gia chính là Malaisia, Lào và Indonesia. Đơn cử như Lào, chúng ta NK chủ yếu là gỗ...

PV: Theo ông, khi hội nhập ASEAN, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp thách thức và cơ hội gì?
 
Ông Trần Công Thắng: Thực ra, chúng ta đã hội nhập ASEAN từ năm 1995. Khi hội nhập cộng đồng này, chúng ta có nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội đầu tiên là khi hội nhập ASEAN,các thuế quan được cắt giảm và trên thực tế một số thuế quan đã cắt giảm rồi. Đó là một cơ hội rất tốt giúp chúng ta có thể mở rộng thị trường và tiếp cận với tất cả các nước trong cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, hội nhập ASEAN sẽ giúp ngành Nông nghiệp có cơ hội mở rộng đầu tư. Trong khối ASEAN và một số hiệp định mới như TPP, Việt Nam-EU…sẽ cho phép các điều kiện đầu tư Việt Nam có thể mở rộng sang các nước đầu tư khác. 

Cùng với đó là cơ hội dịch chuyển lao động. Trong điều kiện của ASEAN có quy định 9 ngành mà chúng ta có thể dịch chuyển lao động, các lao động có trình độ có thể sang các nước khác làm việc. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các lao động tốt ở các nước xung quanh. 

Đồng thời, các nước phải minh bạch hóa về mặt thị trường, hài hòa các tiêu chuẩn để có thể thúc đẩy các thương mại và điều kiện về mặt đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) liên kết với nhau.

Về thách thức, có một số mặt hàng nông sản khi chúng ta hội nhập sẽ chịu áp lực cạnh tranh. Ví dụ Thái Lan và Việt Nam là 2 nước XK nông sản hàng đầu, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với những ngành có khả năng cạnh tranh yếu thì sẽ thiệt thòi.

Bên cạnh đó, có những thách thức buộc chúng ta phải hài hòa, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, thông tin. Về mặt chính sách, chúng ta phải thay đổi, bên cạnh đó đối với các DN Việt Nam sẽ chịu áp lực bị cạnh tranh bên ngoài . 

Ngoài ra, còn có một số áp lực và thách thức liên quan về môi tường, nguồn lực…mà chúng ta phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Đây là những nguy cơ đối với nền nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập cộng đồng ASEAN.

PV: Đối với những thách thức đó, ngành Nông nghiệp nói chung và các DN Việt Nam sẽ phải làm gì để chịu được sức ép cạnh tranh, nhất là đối với các DN nông lâm thủy sản vốn là các DN vừa và nhỏ, thưa ông?
 
Ông Trần Công Thắng: Trước mắt, chúng ta cần thúc đẩy hợp tác lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp trong khu vực. Theo đó, tiếp tục xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chung về chất lượng, an toàn và bảo vệ sức khỏe, thực hiện chứng nhận chung (trong sản xuất, xuất khẩu). Xây dựng các giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng chung cho khu vực thông qua sử dụng hướng dẫn chung để xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Để tận dụng tốt các cơ hội cũng như vượt qua thách thức, các DN phải năng cao năng lực cạnh tranh, có định hướng đầu tư rõ ràng, tiếp cận thị trường bạn một cách tốt hơn. Quan trọng là nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. DN phải thiết lập hệ thống quy tắc đạo đức kinh doanh, quy định trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. 

Đặc biệt, các DN cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để tăng cường cơ giới hóa; thúc đẩy liên kết đầu tư, kinh doanh tận dụng các cơ hội khác từ EVFTA và TPP. Thúc đẩy hợp tác đầu tư, chu chuyển lao động (bao gồm cả lao động nông nghiệp có tay nghề). 

Song song đó, các ngành hàng phải đổi mới chất lượng, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài. Trong quá trình chúng ta vươn ra thị trường các nước trong khối ASEAN, cần nâng cao khả năng cạnh tranh trên sân nhà nếu không sẽ bị mất luôn thị trường nội địa.