Nông nghiệp Việt và “cánh cửa’’ TPP

PV.

Để thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp thành công, đón đầu những cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể để phát triển nền nông nghiệp theo hướng gia tăng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài mạnh mẽ hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nông nghiệp đón hiệu ứng tích cực từ TPP

Với ngành nông nghiệp Việt Nam, cơ hội lớn rõ ràng nhất là sẽ có thị trường rộng lớn hơn, với sự hiện diện của 11 quốc gia bạn hàng khác trong TPP mà rất nhiều trong số đó là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam.

Đặc biệt hơn, những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi. Thí dụ như thị trường Trung Quốc hiện đang chi phối lớn tới Việt Nam cả hai đầu xuất - nhập. Ở chiều tiêu thụ, họ chiếm tới 35% tổng giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, chiếm 48% cao-su, chiếm tới 64% các mặt hàng rau quả xuất khẩu của nước ta. Ở chiều ngược lại, đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu tới 62,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp.

Rõ ràng, đây là một bạn hàng lớn và quan trọng nhưng điều đáng nói là sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của họ luôn đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải linh hoạt, thậm chí “cảnh giác” trong những quyết sách của mình.

Trong bối cảnh như vậy, việc tham gia TPP sẽ giúp nước ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực, bởi 12 quốc gia trong TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, như đã biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0% và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ các mặt hàng sẽ còn 0%. Như vậy lợi thế cạnh tranh rất lớn. Trong đó, có mặt hàng Việt Nam sẽ duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ. Cụ thể: Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản cũng chiếm 19%... Về thủy sản, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản 16%... Như vậy, lợi thế của Việt Nam là rất lớn so với các nước có cùng điều kiện sản xuất, nhất là với mặt hàng thủy sản của Ấn Độ, Thái-lan…

Chưa hết, một hiệu ứng tích cực khác sẽ xuất hiện với ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP là sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi một loạt thuế suất của lĩnh vực này bằng 0% sẽ mang lại nhiều cơ hội. Như đã biết, trong nhiều năm trở lại đây nông nghiệp là lĩnh vực rất èo uột về thu hút vốn đầu tư và đang ở trong tình trạng “giảm dần đều” đầy lo ngại: Cả năm 2014 chúng ta chỉ có khoảng 513 dự án FDI lớn, nhỏ đầu tư vào nông nghiệp và lượng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Đương nhiên, những dòng vốn quý giá này sẽ mở ra cơ hội để chúng ta có tiềm lực tài chính nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp - một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam

Gia nhập TPP sẽ là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam đón nhận những dòng tiền đầu tư, trực tiếp hay gián tiếp từ các nước phát triển; từ đó, có thể gia tăng năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam thông qua việc tiếp nhận công nghệ và kỹ năng quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Lợi thế hơn về thương mại hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu thấp khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam tăng hấp dẫn thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.Theo nhận định của các chuyên gia, TPP được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu và điều tiết thị trường linh hoạt có lợi hơn, bởi nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore... Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi, qua đó, giảm dần tình trạng được mùa mất giá.

Khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu được giảm thuế về 0%, hoặc còn duy trì ở mức thuế suất thấp. Do đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Đại học Văn Hiến cho rằng, lợi thế về thương mại hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu thấp, sẽ giúp Việt Nam tăng hấp dẫn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2015, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 183,4 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng vốn FDI vào Việt Nam cho thấy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn rất khiêm tốn.

Theo ông Đức, trong các nước tham gia TPP, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai quốc gia đang gia tăng vốn FDI vào Việt Nam. Hai quốc gia này có thể đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam để sản xuất và cung cấp các nông sản như rau quả, hoa tươi, cá ngừ, tôm… sang các nước TPP khác và kể cả xuất khẩu trở lại Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

Bà Umezato Naoko, Phó Giám đốc Công ty Brainworks Asia, một doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối giao thương giữa DN Nhật Bản và Việt Nam cho biết, tại Nhật Bản, ngành nông nghiệp đang đối mặt với những khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản tham gia TPP, điều này đòi hỏi Nhật Bản tất yếu phải liên kết với các nước khu vực Đông Nam Á để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó Việt Nam là nước được nhiều DN Nhật Bản quan tâm, bởi khí hậu Việt Nam có nhiều nét tương đồng với khí hậu Nhật Bản. Các DN ngành nông nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, hợp tác với các DN và người sản xuất Việt Nam để cùng nâng cao giá trị của nông sản.

Thời gian gần đây, trong các cuộc gặp gỡ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước cũng như qua các chuyến khảo sát thực tế, nhiều DN Nhật Bản đã nhận xét một số địa phương của Việt Nam như Lâm Đồng hay vùng ĐBSCL rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Những DN Nhật Bản này cho biết sẽ sớm có kế hoạch đầu tư tại các địa phương này.

Đáng chú ý, thời gian qua, việc nhiều DN lớn trong nước như Masan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai... cũng đã bắt đầu chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư có bài bản, qua đó có thể kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm, điều này sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu ở quy mô sản lượng lớn.

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2011-2015 nguồn lực cho nông nghiệp được huy động khá hơn. Tổng vốn đầu tư Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn đạt trên 610.000 tỉ đồng, tăng 1,83 lần so với 5 năm trước; vốn đầu tư ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt 221,6 nghìn tỉ đồng (bằng 1,2% GDP) gấp 1,9 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Riêng đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến tháng 8/2015, cả nước có 512 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,1% tổng số dự án FDI cả nước, đạt khoảng 3,43 tỉ USD (chiếm 1,4% tổng vốn đăng ký FDI cả nước).