Phát triển “tam nông”: Những chuyển biến tích cực tại Lào Cai

PV.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII, bức tranh kinh tế - xã hội Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực…

Xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai
Xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai

Ghi nhận những chuyển biến tích cực

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống nhờ nghề nông nghiệp, do vậy đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Lào Cai. Đây cũng là vấn đề xuyên suốt trong kế hoạch phát triển kinh tế và chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong những năm qua.

Theo đó, mỗi năm tỉnh Lào Cai đều dành từ 60 - 65% nguồn đầu tư qua ngân sách quản lý cho khu vực nông thôn. Trên cơ sở 7 chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được hiện thực hoá bằng 29 đề án, nghị quyết chuyên đề cho cả giai đoạn (2005- 2010), các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh lấy đó làm định hướng lớn để xây dựng kế hoạch dài hạn, cân đối hài hoà các nguồn lực nhằm ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm việc đầu tư phát triển nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung bằng các chương trình, dự án cụ thể, đã tạo điều kiện cho Lào Cai về nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn.

Có thể kể đến: Chương trình 135 (phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi đặc biệt khó khăn), Quyết định 120 (phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung), Quyết định 134 (hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn), Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010); chương trình bố trí lại dân cư; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi; vốn trái phiếu Chính phủ; dự án phát triển lưới điện nông thôn; Nghị quyết 30a...

Do đó, hạ tầng kinh tế vùng nông thôn Lào Cai ngày càng được hoàn thiện, tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng nông thôn, đồng thời khẳng định việc sử dụng các nguồn đầu tư cho nông thôn của Lào Cai đúng và trúng, mang lại hiệu quả thiết thực, hợp với ý Đảng, lòng dân.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được ưu tiên. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh sử dụng giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao và mở rộng thâm canh, tăng vụ; chủ động sản xuất lúa giống phục vụ trong tỉnh và phục vụ thị trường đạt hiệu quả. Người nông dân tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, nhất là các hộ nghèo, bà con tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa qua các chương trình, như Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tín dụng, việc làm.

Đặc biệt, trong các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh luôn bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, cụ thể là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng.

Theo đó, để triển khai thưcvj hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 7 Chương trình công tác trọng tâm với 27 đề án. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành điều chỉnh bổ sung và ban hành một số chính sách mới, tạo động lực khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội của Lào Cai có nhiều chuyển biến rõ rệt. GDP bình quân hằng năm tăng trưởng trên 13%; tăng trưởng nông nghiệp đạt 6,57%/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, đời sống của nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới.

Với những nỗ lực đầu tư cho nông thôn, đến nay, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có 83,5% số xã có đường được rải nhựa; 95% thôn, bản có đường giao thông liên thôn; hệ thống thủy lợi đã bảo đảm tưới cho 92% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, với 89% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế xã, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 82%; số phòng học được kiên cố đạt 61,6%.

Tiếp tục tạo đột phá mới

Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, thời gian tới, tỉnh Lào Cai vẫn xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, để tạo đột phá cho “tam nông”, cần thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn; trong đó xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền để toàn thể hệ thống chính trị, xã hội, đặc biệt là người dân hiểu và nắm được ý nghĩa, trách nhiệm và nhiệm vụ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hai là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thông qua việc hỗ trợ tín dụng; chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhất là hệ thống đường trục thôn và liên thôn; chính sách khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua hình thức tư vấn pháp lý, xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với việc hỗ trợ đầu tư một phần máy móc, thiết bị, nhà xưởng và hỗ trợ tín dụng.

Ba là, tăng cường đầu tư ngân sách cho việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Đồng thời làm tốt công tác đánh giá các đề tài khoa học và mô hình trình diễn trong nông nghiệp nhằm đưa ra những khuyến cáo, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả.

Bốn là, tập trung đào tạo cho cán bộ các xã và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu cần thiết về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của mỗi đối tượng cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chương trình khuyến nông nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tiếp thị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Năm là, khuyến khích, tạo cơ chế, động lực để tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội, nhất là việc huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhân rộng, phổ biến các mô hình xã hội hóa đầu tư, mô hình quản lý các công trình hạ tầng có hiệu quả, bền vững cho các vùng nông thôn.