Quảng Bình thiệt hại hơn 2.138 tỷ đồng do sự cố môi trường biển

PV.

Quảng Bình là một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố môi trường biển, với tổng giá trị thiệt hại (theo định mức được ban hành hành tại Quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ) hơn 2.138 tỷ đồng. Tuy vậy, công tác bồi thường hiện đang gặp phải khá nhiều khó khăn...

 Đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình ngày 12/10/2016.
Đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình ngày 12/10/2016.

Chiều ngày 12/10/2016, tại Quảng Bình, Đoàn công tác liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã làm việc với tỉnh Quảng Bình về triển khai chính sách đền bù cho ngư dân sau sự cố môi trường biển do Fomusa gây ra.

Tại buổi làm việc, báo cáo về tình hình triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó thống kê thiệt hại, bồi thường theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ (QĐ 1880), đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng giá trị thiệt hại theo định mức được ban hành hành tại QĐ 1880 là hơn 2.138 tỷ đồng.

Cụ thể, về khai thác thủy sản, có 7.584 chiếc tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90CV; số lao động trên các tàu này là 14.372 người với giá trị thiệt hại hơn 1.171 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng 1.580 ha… thiệt hại hơn 319,922 tỷ đồng; sản xuất muối thiệt hại hơn 18,1 tỷ đồng. Lao động trực tiếp bị thiệt hại 442,390 tỷ đồng; lao động gián tiếp bị thiệt hại 186,246 tỷ đồng. Đồng thời, tồn kho hơn 3.900 tấn hải sản tại các cơ sở kho đông lạnh.

Ngày 10/10/2016, UBND tỉnh Quang Bình đã họp, giao cho Sở Y tế chủ trì phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công thương và các địa phương thành lập các đoàn công tác triển khai thực hiện kiểm tra, phân lô, lấy mẫu kiểm nghiệm báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10/2016.

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh Quảng Bình, trong quá trình thực hiện triển khai chính sách vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất là trong quá trình thực hiện, do văn bản nhiều lần thay đổi nên việc kê khai phải thực hiện nhiều lần, gây khó khăn và mất nhiều thời gian. Ví dụ, các đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa được quy định trong các văn bản. UBND tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được bổ sung như: cá lóc, cá trê nuôi trên ao cát ven biển...

Thứ hai, yêu cầu về tiến độ thực hiện trong các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT quá gấp, trong khi quy trình về kê khai, xác nhận thiệt hại phải họp cộng đồng dân cư lấy ý kiến quần chúng nhân dân, niêm yết công khai theo quy chế dân chủ cơ sở... nên quá trình thực hiện vẫn còn thiếu sót về đối tượng....

Trước những khó khăn đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân đề nghị: "Triển khai bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại đã được kê khai theo công văn 685/BNN-TCTS và công văn 7433/BNN-TCTS nhưng chưa được quy định tại QĐ 1880 như tiền thuế và thiệt hại của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; tiền điện, tiền thuế và thiệt hại về hải sản lưu kho của các cơ sở thu mua, tạm trữ hải sản. Đồng thời, bổ sung định mức thiệt hại đối với cơ sở sản xuất, ương giống cá mặn lợ thuộc đối tượng thiệt hại nhưng chưa có định mức...".

"Đề nghị Trung ương sớm có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhân dân; bảo hiểm y tế và miễn, giảm học phí hoặc các khoản đóng góp học sinh, sinh viên là con em các gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng của sự cố,… nhằm động viên kịp thời cho nhân dân"- ông Ngân nói.

Ngoài ra, ông Lê Minh Ngân cũng băn khoăn, đối với số tiền 1.100 tỷ đồng do Bộ Tài chính vừa cấp ứng sẽ được xử lý cụ thể như thế nào để nhanh chóng hỗ trợ cho người dân...

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã ghi nhận những ý kiến của tỉnh và ngư dân nơi đây. Đại diện các bộ, ngành cũng đã giải đáp về một số đề xuất của tỉnh.

Cụ thể, đối với vấn đề hỗ trợ mua thẻ y tế, ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã đề xuất hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho những người dân bị ảnh hưởng về sự cố Fomusa tại 4 tỉnh miền Trung với số lượng hơn 700.000 người (số đối tượng này do các tỉnh thống kê gửi Bộ Y tế).

Với mệnh giá thẻ bảo hiệm hiện nay thì số tiền ước tính để mua thẻ bảo hiểm cho các đối tượng nêu trên khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. "Số tiền này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép trích 50% từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm và 50% từ tiền bồi thường của Fomusa”- ông Hùng Long nói.

Vấn đề về thuế cũng được bà Nguyễn Thị Bích Hằng, đại diện Bộ Tài chính giải thích rõ: "Theo văn bản số 6851 của Bộ NN&PTNT về việc kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường thì đối tượng gián tiếp bị thiệt hại, trong đó có cơ sở có đăng ký kê khai nộp thuế. Các cơ sở này sẽ được thực hiện theo các quy định về miễn, giảm thuế của pháp luật hiện hành. Vì vậy, định mức bồi thường thiệt hại theo QĐ 1880 không xây dựng định mức cho nội dung này”.

Ngoài ra, “Để hỗ trợ DN, cá nhân chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển và bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý thuế, cơ quan thuế xử lý bằng hình thức gia hạn nộp thuế và các khoản phải nộp NSNN trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp NSNN theo quy định, đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường dẫn đến không có khả năng nộp đúng hạn...”- bà Hằng cho biết thêm...

Đối với số tiền Bộ Tài chính vừa cấp ứng cho Quảng Bình là 1.100 tỷ đồng, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị phải căn cứ vào đối tượng bồi thường thiệt hại do địa phương phê duyệt và theo định mức bồi thường tại QĐ 1880, để ứng trước 50% cho các đối tượng./.