Quảng Trị chủ động và khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển

PV.

Toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan ban ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đều nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt công tác khắc phục sự cố, trong đó có thống kê đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường, để có cơ sở hỗ trợ cho nhân dân, khôi phục sự cố môi trường biển.

Ngày 13/10/2016, tại Quảng Trị, Đoàn công tác liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã khảo sát thực địa tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị về triển khai chính sách đền bù cho ngư dân sau sự cố môi trường biển. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Huân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã cho biết, cùng với các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, tại Quảng Trị hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào địa bàn các huyện ven biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân cả trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, ở lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản (cả nuôi trồng và khai thác) đến thời điểm này đạt 16.494 tấn đạt 47,39% kế hoạch. Do sự cố môi trường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của toàn tỉnh. Sản lượng khai thác chủ yếu là xa bờ. 

Đến ngày 15/9/2016, Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý cho 247 tàu cá với số lượng gần 5.075,87 tấn. Sản lượng khai thác năm 2016 đạt thấp, đời sống của ngư dân rất khó khăn. Nhiều chủ tàu xa bờ khai thác không hiệu quả do giá thủy sản giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận khai thác... 

Hơn nữa, từ tháng 4 đến nay, người dân không dám lấy nước biển vào nuôi tôm nên tôm nuôi bị chết và dịch bệnh tôm nuôi xảy ra trên diện rộng ở 22 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành phố với tổng diện tích bị bệnh là 313,31 ha. Ngay khi dịch bệnh xảy ra Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra tình hình thực tế, đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự lây lan.

Cụ thể, kết quả thống kê thiệt hại đến thời điểm này là khai thác hải sản có tổng số tàu thuyền là 2.659 chiếc, số lao động khai thác biển là 4.778 người. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ước 824,221 ha. Số người lao động bị mất thu nhập là  15.934 lao động. Sản phẩm lưu kho đông, kho lạnh khoảng 1.290 tấn...

Quảng Trị chủ động và khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Huân

Chúng tôi cũng căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, dự báo năm 2016 sản lượng và giá trị nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản của tỉnh Quảng Trị sẽ giảm khoảng 30%, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân ven biển và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quảng Trị có đến trên 93% là tàu thuyền có công suất dưới 90CV và đa số phải nằm bờ, ngư dân vùng bãi ngang đa số mất việc làm đã 6 tháng. Tuy nhiên, đến nay theo thông báo của các Bộ Y tế, Tài nguyên môi trường và Bộ NN&PTNT có đến 154 loại hải sản ở tầng đáy từ 20 hải lý trở vào chưa an toàn, nên đến nay tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh vẫn rất còn hạn chế, vì người tiêu dùng vẫn còn e ngại, giá bán giảm từ 30%- 40% gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con ngư dân trong thời gian tới.

Tổng kinh phí thiệt hại là khoảng 959,6 tỷ đồng. Trên cơ sở đối tượng và định mức bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880/QĐ-TTg thì tổng kinh phí bồi thường thiệt hại của tỉnh là 794,8 tỷ đồng.

Theo ông Huân, công tác hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp người dân bị ảnh hưởng hiện tượng hải sản chết bất thường được tỉnh thực hiện kịp thời, khẩn trương.

Các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu, hộ gia đình có lao động trên tàu khai thác thủy hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc có lắp máy công suất dưới 90cv và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp được hỗ trợ mức 15kg gạo/nhân khẩu/tháng x 6 tháng.
Hỗ trợ một lần các tàu, thuyền không lắp máy (kể cả thuyền thúng) hoặc lắp máy đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản: Trong đó, tàu thuyền không lắp máy: 3,5 triệu đồng/chiếc; Tàu thuyền lắp máy có công suất dưới 90cv: 5 triệu đồng/chiếc.

Tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng biển gần 3.000 tấn gạo, tạm ứng ngân sách 8 tỷ đồng; phối hợp với UBMTTQVN tỉnh phát động ủng hộ hơn 12,5 tỷ đồng cùng trên 90 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân từng bước ổn định sản xuất, sinh hoạt; bố trí  3.200 triệu đồng để thực hiện các mô hình phát triển sinh kế cho người dân.