Sản xuất nông nghiệp gắn với mô hình cho vay theo chuỗi liên kết

PV.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 10 năm nay, Công ty TNHH Cường Tân của tỉnh Nam Định đã được chọn tham gia thí điểm dự án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất giống lúa và cây vụ Đông.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Lâm Văn Chiểu – Phó giám đốc Công ty Cường Tân cho biết, vào cuối tháng 6/2014, công ty đã được NHNN phê duyệt tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14. BIDV Chi nhánh Nam Định đã cho công ty vay 75 tỷ đồng (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) để thực hiện dự án.

Từ khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống tại các địa phương trong tỉnh Nam Định, đến nay BIDV đã giải ngân cho Công ty vay hơn 18,7 tỷ đồng. Công ty đang dùng số vốn vay này để đầu tư trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trên diện tích 300 ha sản xuất lúa lai F1. Bà con nông dân tại các vùng sản xuất tập trung “cánh đồng mẫu lớn” đang liên kết cùng công ty.

“Chúng tôi đã ứng trước toàn bộ giống lúa, tiền công lao động, tiền các dịch vụ khác và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm và chia sẻ rủi ro về năng suất” – ông Chiểu chia sẻ.

Công ty Cường Tân đang áp dụng mô hình liên kết: công ty xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ký hợp đồng với một số nhóm hộ nông dân (đại diện cho các hộ nông dân) hoặc các hợp tác xã như ở miền Nam Trung bộ. Hộ nông dân đầu tư công lao động như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch... thực hiện quy trình sản xuất theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật công ty. Công ty sẽ mua 100% sản phẩm lúa giống và cây vụ Đông để chế biến và tiêu thụ.

Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Chiểu cho biết, nông dân tham gia liên kết sản xuất sẽ khai thác tối đa quỹ đất, nâng cao hệ số sử dụng đất, đồng thời tăng thêm thu nhập từ 20 - 23 triệu đồng/ha/vụ. Công ty thì được hưởng chênh lệch 150 – 200 đồng/kg sản phẩm từ việc tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, tương đương 1,5-2 tỷ đồng/vụ.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất các cây vụ Đông tạo ra số lượng việc làm lớn ở nông thôn, không còn cảnh người dân buộc phải nông nhàn do không có việc làm đã góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Theo tính toán của Công ty Cường Tân, thì mỗi ha tạo thêm từ 600 – 650 ngày công cho lao động địa phương, giá trị 1 ngày công đạt từ 80.000 đồng – 120.000 đồng/ngày.