Tái cơ cấu lâm nghiệp và bảo vệ rừng

pv.

(Taichinh) - Sau 15 năm, rừng có sự phục hồi nhẹ, nhưng công tác bảo vệ rừng vẫn còn vô cùng khó khăn, gian nan… rừng được trồng chưa theo kịp với sự suy giảm, do vậy, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu phủ xanh 43% diện tích cả nước

 Sau 15 năm, rừng có sự phục hồi nhẹ.
Sau 15 năm, rừng có sự phục hồi nhẹ.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng

Hiện trạng rừng Việt Nam: Tính từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã mất hơn 2 triệu hecta rừng (trong đó, do chiến tranh, do cháy rừng đã gây thiệt hại lớn, nhưng do bàn tay con người cũng không ít). Trước chiến tranh chống Mỹ, nước ta có gần 12 triệu ha rừng. Trong chiến tranh, đế quốc Mỹ phun hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, ném hơn 13 triệu tấn bom đạn với hơn 25 triệu hố bom đạn, bom cháy cùng với đội xe ủi đất khổng lồ đã tiêu hủy hơn 2 triệu ha rừng nhiệt đới các loại. Sau chiến tranh, diện tích rừng chỉ còn lại khoảng 9,5 triệu ha, chiếm 29% diện tích cả nước. Không những do chiến tranh, mà chính do bàn tay con người cũng triệt hại rừng ghê gớm. Tính từ 1975-1995, diện tích rừng tự nhiên giảm 2,8 triệu ha. Trước thực trạng mất rừng gây ra nhiều bao thảm họa khôn lường, Đảng, Chính phủ đã kêu gọi và thực hiện ráo riết chủ trương trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc… đồng thời triển khai mọi biện pháp để bảo vệ rừng. Sau 15 năm, rừng có sự phục hồi nhẹ, nhưng công tác bảo vệ rừng vẫn còn vô cùng khó khăn, gian nan… rừng được trồng chưa theo kịp với sự suy giảm, do vậy, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu phủ xanh 43% diện tích cả nước.

Rừng đang kêu cứu:

Hiện rừng vẫn đang từng ngày bị chặt phá, triệt hạ, vì sao vậy?

Trước tiên, do dân số tăng nhanh chóng, trong vòng 40 năm, từ 1975 đến nay, tăng gần 300%, kéo theo nhu cầu lương thực thực phẩm không đáp ứng được nếu vẫn giữ nguyên diện tích trồng trọt như cũ. Ngoài ra, do giá trị một số cây công nghiệp (cà-phê, hồ tiêu, cao su…) luôn ở mức cao và ổn định khiến người dân phá rừng để lấy đât trồng cây công nghiệp... Rừng ngập mặn ven biển thì đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm, nuôi thuỷ sản, xây dựng khu nghỉ dưỡng, resot, thắng cảnh... Người dân đang tàn phá rừng để lấy đất làm ăn, kinh doanh, mưu cầu lợi ích trước mắt. Các tỉnh Tây Nguyên, Cà Mau, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Cao Bằng… không những rừng nguyên sinh mà ngay cả rừng phòng hộ chống sạt núi, chắn biển, làm cảnh quan… cũng đang bị người dân di cư tự phát đốt phá nham nhở làm nương rẫy. Rừng cây đang bị bức hại bằng các hành vi tàn độc như dùng hóa chất, đốt cháy, chặt rễ ngầm… Số liệu các tỉnh đưa về cho thấy, hàng năm, rừng bị triệt phá, đẩy lùi khỏi đời sống hàng chục ha…

Một nguyên nhân nữa dẫn đến mất rừng là do người dân lấy gỗ làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng, sản xuất giấy và làm củi đốt. Hiện nay nhiều nơi, nhất là các vùng núi, người dân vẫn dùng nguyên liệu chất đốt là củi gỗ, hàng ngày rừng bị bào mòn, không chỉ các cây chết, cành khô mà ngay cả cây sống cũng bị chặt phá để làm củi. Do nhu cầu và sở thích tiêu thụ đồ gỗ ngày càng nhiều nên cây hàng trăm tuổi đến cây trồng được mấy chục năm đều không thoát khỏi lưỡi hái tử thần, biến thành đồ gỗ trong các nhà đại gia hay nhà bình dân… Nếu như trước đây cha ông ta chỉ đốn tỉa, thì đến nay, con cháu đã triệt hạ, chặt trắng cả những bìa rừng rộng lớn, khiến rừng khó tự phục hồi lại được.

Một nguyên nhân đáng nói, đó là chưa thực thi nghiêm túc pháp luật. Theo quy định của pháp luật, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết khi phê duyệt cũng như thực hiện dự án, các địa phương, nhà đầu tư cố tình “quên” hoặc chậm triển khai quy định này. Việc thực thi pháp luật đối với hành vi phá rừng chưa đủ mạnh, chưa ngăn chặn được lâm tặc.

Khó khăn trong bảo vệ rừng:

Do địa thế: Rừng nước ta chủ yếu là rừng rậm, địa thế núi đồi hiểm trở khó đi lại, lâm tặc có thể trú ngụ, trốn tránh, tẩu tán dễ dáng; trong khi các đội kiểm lâm có quân số mỏng, khó thực hiện thanh tra, kiểm tra được hết. Diện tích rừng phòng hộ lại nằm rải rác, xen kẽ với nhà ở, nương rẫy của người dân nên khó canh giữ, bảo vệ…

Do ý thức người dân: Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh triển khai mọi biện pháp để bảo vệ rừng, có các biển nghiêm cấm chặt phá cây rừng, vào rừng trái phép và săn bắt chim muông thú rừng, duy trì các đội tuần tra canh giữ và xử lý các vụ vi phạm. Nhưng không chỉ ở các vùng sâu vùng xa rừng mới bị triệt phá, ngay cả ở TP. Hồ Chí Minh cũng còn để cháy rừng phòng hộ; Hà Nội làm mất hàng chục cây gỗ quý lâu đời… do ý thức của người dân chưa cao, chưa đầy đủ, chưa thấy rõ lợi ích của rừng và mức độ nguy hại của phá rừng.

Cán bộ kiểm lâm thoái hóa: Nhiều nơi, lâm tặc không những hoành hành mà còn móc nối với cán bộ kiểm lâm, ngang nhiên thực hiện cướp phá rừng. Có cán bộ kiểm lâm còn vào rừng thu gom cây đã bị lâm tặc chặt bỏ lại đem đi bán…

Mức khoán bảo vệ rừng còn thấp. Hiện mức thu nhập bình quân hằng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng của cả nước đạt 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Số tiền này đã được nâng lên so với trước đây, nhưng so với chi phí bỏ ra và so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội thì vẫn còn rất thấp.

Lâm tặc hoành hành: Có thể nói, lâm tạc đã trở thành một đội quân hung hãn, một loại giặc nằm ngay trong lòng nền kinh tế, phá họa đất nước nghiêm trọng. Nhiều cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc đánh trọng thương, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Lâm tặc đã đến mức báo động đỏ.

Chính sách chế độ về bảo vệ chăm sóc và trồng rừng còn chưa đồng bộ, nhất quán.

Trước tình hình diễn biến như vậy, vừa qua Chính phủ đã đưa ra chính sách khoán chi phí để thực hiện bảo vệ rừng.

Chủ trương của Chính phủ

Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng: Có thể nói, các vụ vi phạm pháp luật năm 2014 đã giảm được 6% so với năm 2013 (nhất là số vụ vi phạm các quy định về vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật), tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng, tái trồng rừng còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng mới trồng và trồng rừng phòng hộ ở các khu vực rất xung yếu. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015; Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Tập trung, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các địa phương; triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2014-2020; Tăng cường triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Phó Thủ tướng chỉ đạo tổ chức sắp xếp, đổi mới Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý ngay nguồn vốn cho các Công ty lâm nghiệp phải dừng khai thác rừng tự nhiên theo đúng quy định tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2015.

Năm 2014, tất cả các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cơ bản hoàn thành: Khoán bảo vệ rừng đạt 118% kế hoạch năm; trồng rừng mới đạt 108% kế hoạch năm; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đạt 108% kế hoạch; chăm sóc rừng mới trồng đạt 144%; năm 2014, đã dừng toàn bộ khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trong cả nước; khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 103% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu sản phẩm và lâm sản đạt 122,5% kế hoạch năm.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền: Phó Thủ tướng yêu cấu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thông qua các kênh thông tin, như: Báo, Đài phát thanh và truyền hình địa phương để giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ và phát triển rừng; Hàng năm tiến hành đánh giá, tổng kết thi đua khen thưởng để kịp thời động viên những nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn: vtv1; Viện Điều tra và Quy hoạch rừng; VN Express; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; nhandan.com.vn...