Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

PV.

Năm 2015, ngành nông nghiệp xác định là cột mốc quan trọng để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nông nghiệp tăng trưởng khá

Năm 2015, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu hướng tới tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014 (trong đó, trồng trọt 2,5-2,8%, chăn nuôi 2,8-3,2%, lâm nghiệp 6,0-6,5%, thủy sản 6,0-6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD.

Nông nghiệp Việt Nam hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị - xã hội. So với thời kỳ trước đổi mới, Nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc: giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2015 ước đạt 590,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1 % so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ các năm gần đây (9 tháng năm 2014 tăng 3,47%, năm 2013 tăng 2,71%, năm 2012 tăng 3,5%).

Trong đó lĩnh vựcnông nghiệp cảnước đạt 432,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%; lâm nghiệp ước đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%; thuỷ sản ước đạt 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2%. Lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục đạt mức tăngtrưởng cao nhưng do ngành lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp (3,4%) giá trịsản xuấttoàn ngành nên không cải thiệu nhiều đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đạt 2.586 ngàn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2014 năm trước (cùng kỳ 2014 tăng 4,9%). Sản lượng khai thác thủy sản vẫn duy trì mức tăng ổn định, đạt 2263 ngàn tấn, tăng 4,3 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước đạt 2125 ngàn tấn, tăng 4,5 % so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp duy trì mức tăng cao và ổn định so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,1%, năm 2013 tăng 5,6%) do giá gỗ những tháng đầu năm có xu hướng tăng vì vậy khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, thêm vào đó là nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao nên sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (11,8%) đạt 5.834 nghìn m3.

Ngành nông nghiệp cả nước tiếp tục đề án tái cơ cấu ngành, bước đầu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và ứng phó với biến đổi khí hậu nên mặc dù gặp khó khăn nhưng nhìn chung kết quả sản xuất nông nghiệp vẫn đạt khá.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020

Giai đoạn 2016 – 2020, lĩnh vực nông nghiệp tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, các Bộ, ngành cần thực hiện những giải pháp cụ thể sau:

Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến; xây dựng mô hình mẫu với từng ngành để nhân ra diện rộng; khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học nhà nước với các doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với các địa phương đã phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đối với các địa phương chưa phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt trong Quý IV năm 2015; lấy địa bàn xã làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ở cấp xã, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm để giảm bớt rủi ro cho nông dân, giảm chi phí sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ huy động, phân bổ các nguồn lực để thực hiện Đề án cho giai đoạn 2016-2020.