Tái cơ cấu ngành Thủy sản hướng đến phát triển bền vững

TK.

Sau hai năm triển khai, Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản được đánh giá là cơ hội lớn để ngành thủy sản củng cố toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 8 tỷ USD. Nguồn: internet
Năm 2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 8 tỷ USD. Nguồn: internet

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay 36/63 tỉnh, thành phố đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản. Đặc biệt, nhiều địa phương có những hoạt động cụ thể hóa mục tiêu đề án như duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành Thủy sản, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Theo đó, kết quả sản xuất thủy sản giai đoạn 2011 - 2014 của cả nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 4,7%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản từ 21,5% năm 2011 lên 22,7% năm 2014; tốc độ tăng tổng sản lượng thủy sản cao hơn tốc độ tăng diện tích; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình gần 8%/năm. Năm 2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 8 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt 1,7 tỷ USD, rô phi lần đầu tiên đạt mốc 30 triệu USD, nhuyễn thể đạt gần 70 triệu USD, còn lại là các đối tượng khác.

Bên cạnh đó, trong nuôi trồng, bệnh trên đối tượng nuôi được kiểm soát và xử lý nên không xảy ra trên diện rộng; năng suất trên đơn vị diện tích có xu hướng tăng. Cơ cấu đối tượng nuôi có sự thay đổi. Công tác quản lý chất lượng giống nước lợ tại địa phương đã đưa hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản cơ bản đi vào nề nếp. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hiện diện tích tôm sú vẫn ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu đã chuyển dịch dần sang thâm canh tôm thẻ chân trắng.

Những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Giá tôm nguyên liệu giảm khiến người nuôi treo ao. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn là tôm (năm 2014 chiếm khoảng 50%) đã có sự sụt giảm khá mạnh (khoảng 28%), đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nguyên nhân nghiêng nhiều hơn về khía cạnh thị trường chứ không phải là khía cạnh sản xuất. Theo đó, dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) được khắc phục nhiều ở các nước sản xuất lớn nên nguồn cung toàn cầu đã tăng từ 3,4 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, có những ưu đãi thuế quan nên châu Âu nghiêng về nhập tôm của châu Mỹ nhiều hơn là châu Á.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khai thác thủy sản, số lượng tàu cá công suất nhỏ giảm, tàu công suất lớn tham gia khai thác xa bờ tăng theo định hướng quy hoạch đến năm 2020. Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, các địa phương đã chủ động định hướng ngư dân phát triển những nghề đánh bắt bền vững; tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ, chú trọng khâu chế biến, bảo quản theo tinh thần Nghị định 67.

Ở tầm vĩ mô, các Bộ, ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến chế biến, tiêu thụ; Chủ trì và chủ động đề xuất giải pháp để quản lý giá đầu vào, đầu ra cho thủy sản, đề xuất giải pháp đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên cả nước và chủ động trong khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam.

Thách thức và định hướng

Nhìn lại hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản cho thấy, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tuy có giảm nhưng vẫn còn nan giải, nguồn lợi bị cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng không bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc triển khai rà soát quy hoạch thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP vềnuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra còn chậm, người nuôi và các doanh nghiệp nuôi cá tra tiếp cận vốn vay khó.

Khâu liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, gắn sản xuất với thị trường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh, giá tôm những tháng gần đây giảm mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu…

Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản không như kỳ vọng, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao, gây lãng phí tài nguyên; Đào tạo kỹ thuật về nuôi trồng và khai thác thủy sản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; Khoa học công nghệ chưa tương xứng trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu. Vấn đề khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được thực hiện tốt, đảm bảo được sự bền vững của nguồn lợi thủy sản…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong thực hiện đề án, vấn đề nâng cao đời sống cho hàng triệu nông dân, ngư dân trên cả nước là trọng tâm nhất, tái cơ cấu phải lấy hiệu quả sản xuất của phần đông nông dân, ngư dân qua từng mô hình sản xuất, khai thác, đánh bắt làm thước đo thành công của đề án.

Do vậy, ngành Thủy sản, các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức và hành động, xây dựng chương trình, đề án ở cấp mình cụ thể, đồng bộ sát hợp với tình hình địa phương, đơn vị để tái cơ cấu phải thực sự là giải pháp căn cơ, toàn diện, lâu dài cho sự phát triển của ngành Thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía, trên nhiều mặt như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo các địa phương, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào nuôi trồng để nâng sản lượng, giảm chi phí, giảm giá thành thủy sản; Cần ứng dụng hiệu quả công nghệ vào tái cơ cấu ngành Thủy sản ở tất cả các mặt như cơ cấu giống, nuôi trồng, khai thác, hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản để nâng cao giá trị thủy sản Việt Nam; Cần kiểm soát tốt giá vật tư chuyên ngành Thủy sản không để tăng chi phí đầu vào, kéo giá thành thủy sản Việt Nam lên cao trong điều kiện giá cả thủy sản một số nước trên thế giới đang cạnh tranh gay gắt với thủy sản Việt Nam...

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu, để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản, toàn Ngành cần chú trọng triển khai tốt các nhiệm vụ cơ bản như: Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, điều chỉnh chính sách đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền; Tổ chức các mô hình theo chuỗi, các hợp tác xã kiểu mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nhân lực; Phát huy tốt diện tích đã có và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm dịch bệnh; Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; Đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng cường quản lý môi trường đi liền với cảnh báo dịch bệnh.

Mục tiêu chung của tái cơ cấu ngành Thủy sản là phát triển thủy sản bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Về nuôi trồng thủy sản, Đề án tái cơ cấu Ngành tập trung vào 4 con chủ lực là: tôm, cá tra, rô phi và nhuyễn thể.