Tây Nguyên: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tiếp sức cho người nông dân

PV.

Bám sát chủ trương, định hướng phát triển Tây Nguyên của Đảng và Chính phủ, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đây chính là đòn bẩy để các tỉnh Tây Nguyên phát triển, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các chương trình tín dụng đang được triển khai tại Tây Nguyên, nguồn vốn được giải ngân theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất.

Đơn cử, tại tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2014, chỉ riêng hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có tổng dư nợ lên đến hơn 13.800 tỷ đồng, với khoảng 100.000 lượt khách hàng là nông dân vay vốn để chăm sóc cà phê, cao su, hồ tiêu…

Ngoài vay vốn theo Nghị định số 41, hiện nay người dân, doanh nghiệp tại Tây Nguyên còn tiếp cận với hàng chục chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, cho vay hộ nghèo vùng nông thôn, vùng khó khăn...

Nhìn chung, dòng vốn đã đến kịp thời với các đối tượng, qua đó giúp người dân giảm áp lực về tài chính trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn tín dụng chính sách trong những năm qua đã giúp trên 228.000 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 45.000 lao động có việc làm, hơn 212.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học và hàng trăm nghìn công trình nước sạch được xây dựng tại Tây Nguyên.

Những số liệu trên cho thấy những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng vốn cho phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân, phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị-xã hội Tây Nguyên.