Thành công của mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng ở Tuyên Quang

PV.

(Taichinh) - Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Nà Hang vừa được tiểu ban chuyên ngành khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức đánh giá nghiệm thu. Kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện dự án này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, mở ra hướng đi mới cho các hộ nghèo trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thảo quả là loại cây đặc sản thích nghi ở vùng núi cao.
Thảo quả là loại cây đặc sản thích nghi ở vùng núi cao.

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, từ đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Nà Hang đã xây dựng và thực hiện Dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tại 2 xã Khâu Tinh và Sinh Long” để vừa phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng rừng phòng hộ, vừa bảo vệ được vốn rừng.

Thảo quả là loại cây đặc sản thích nghi ở vùng núi cao, sinh trưởng và phát triển tốt dưới tán rừng. Với độ cao 1.000 - 1.500 m, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình tháng từ 18 - 220C rất phù hợp cho việc phát triển cây thảo quả. Khâu Tinh và Sinh Long thuộc các xã vùng núi cao, đời sống các hộ dân trong xã còn khó khăn nên phát triển cây thảo quả dưới tán rừng là tiền đề để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%, đất rừng phòng hộ có 6.294 ha/17.157 ha đất rừng, chiếm 37%; rừng đặc dụng 6.632 ha, chiếm khoảng 40% đất rừng; cả 2 xã có 136 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 8 ha là đất ruộng 2 vụ. Sản xuất nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp, sản phẩm chính từ lúa, ngô và một số cây như đỗ tương, đỗ xanh, lạc...

Trước khi triển khai Dự án, Trạm Khuyến nông huyện đã cử cán bộ chủ động chọn hộ, chọn điểm thực hiện, đồng thời hướng dẫn hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, bỏ phân đến tiếp nhận cây giống... Với quy mô 5 ha, có 10 hộ tham gia, các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc thảo quả, đến nay các hộ đã trồng xong, đang tích cực chăm sóc.

Lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện Nà Hang cho biết: Tiềm năng về giá trị kinh tế của cây thảo quả đã tác động tích cực đến ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng, không chỉ giữ rừng già, rừng tự nhiên để nâng cao độ che phủ rừng, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ mà còn chủ động trồng mới vườn rừng để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, 100% hộ tham gia Dự án đã ký kết quy ước quản lý, xây dựng mô hình sản xuất thảo quả bền vững dưới tán rừng cũng là điều kiện thuận lợi để cán bộ khuyến nông cũng như chính quyền địa phương yên tâm trong quá trình phát triển, thực thi Dự án.

Tin vui với đồng bào các dân tộc tại huyện Nà Hang là Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Nà Hang sau 3 năm triển khai nay đã thành công.

Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Nà Hang vừa được tiểu ban chuyên ngành khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức đánh giá nghiệm thu. Kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện dự án này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Dự án do Trạm khuyến nông huyện Nà Hang chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư. Mô hình được triển khai trên quy mô5 ha, tại 2 xã Khâu Tinh và Sinh Long (Nà Hang). Tham gia dự án, các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thảo quả theo đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, bỏ phân đến nhận cây giống... Đến nay, thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt.

Việc trồng thử nghiệm thảo quả thành công tại 2 xã sẽ mở ra hướng đi mới cho các hộ nghèo trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế, giữ vững diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất của địa phương thì trồng thảo quả sẽ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Sau 3 năm cho thu hái lứa đầu, sản lượng ước đạt 180 kg quả khô/ha, trị giá trên 20 triệu đồng. Năng suất thảo quả tăng dần theo các năm.

Bà Ma Thị Trường, chủ nhiệm dự án cho biết, cùng với giá trị kinh tế, việc trồng thảo quả đem lại nhiều lợi ích, như việc chống xói mòn đất trong mùa mưa, chống cháy rừng trong mùa khô, bảo vệ nguồn nước là ưu điểm lớn nhất. Ngoài ra việc trồng xen kẽ loại cây này còn có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hệ số sử dụng đất lâm nghiệp một cách bền vững.