Thiếu liên kết - Khó nâng cao sức cạnh tranh vùng Tây Nguyên

pv.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 54.700km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước) dân số gần 5,2 triệu người, là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta. Ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, Tây Nguyên có điều kiện để phát triển một nền kinh tế mở.

Đô thị, giao thông…vùng Tây Nguyên đang ngày càng được đầu tư, phát triển.
Đô thị, giao thông…vùng Tây Nguyên đang ngày càng được đầu tư, phát triển.

Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước; là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, nên việc ổn định và phát triển của vùng là nhân tố quan trọng góp phần vào sự ổn định chung của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020, trong đó xác định hợp tác, liên kết phát triển là một giải pháp cơ bản trong phát triển bền vững của Vùng.Cuối năm 2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, trong đó yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các địa phương khác ngoài vùng.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã khai thác, phát huy lợi thế của từng địa phương, tích cực, chủ động trong công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư và có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Năm 2009, lần đầu tiên, các tỉnh Tây Nguyên đã liên kết cùng tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất (tại TP. Buôn Ma Thuột tháng 9/2009) và đã mang lại kết quả đáng kể.

Theo thống kê của các địa phương, từ năm 2009 đến tháng 12/2012, tổng vốn đăng ký đầu tư của vùng đạt bình quân trên 30.000 tỷ đồng/năm, tăng cao so với các năm trước đó (bình quân 16.500 tỷ đồng/năm).Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã liên kết cùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 (tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai vào tháng 4/2013). Tại đây, lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD; hầu hết các dự án đầu tư vào những lĩnh vực chế biến cà phê, cao su, dịch vụ và du lịch...

Tuy nhiên, so với các vùng khác trong cả nước, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư còn nhỏ, công nghệ lạc hậu và tập trung chủ yếu ở khu đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém và chưa đồng bộ.

Liên kết vùng để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của cả vùng và các địa phương

Liên kết vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, là một tài sản, một nguồn lực, nguồn vốn phi vật thể tiềm năng cho phát triển.Nhằm phát huy sức mạnh, tiềm năng sẵn có xứng với vị thế quan trọng của khu vực trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng; xây dựng luận cứ, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp liên kết phát triển Tây Nguyên trên các lĩnh vực sản phẩm và ngành hàng, sáng 24-7-2015, tại TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Thời Báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.

Tham dự có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du Lịch; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận... Hội thảo đã nhận được gần 30 báo cáo nghiên cứu và tham luận tập trung phân tích những lợi thế so sánh, những bất cập còn tồn tại đối với vấn đề hạ tầng giao thông, du lịch, chuỗi giá trị nông nghiệp cũng như hiện trạng việc liên kết phát triển trong từng lĩnh vực, ngành hàng của các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Cụ thể như trong Chuyên đề Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp nhiều báo cáo tham luận như: Tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng Tây Nguyên trong phát triển một số cây công nghiệp chủ lực; Thực trạng chế biến một số hàng nông lâm thủy sản trong cả nước, vùng Tây Nguyên; Phương án tái cơ cấu ngành cà phê Việt Nam; Phát triển liên kết vùng mặt hàng Cao su Tây Nguyên (thực trạng và giải pháp); Phân tích chuỗi giá trị rừng trồng Tây Nguyên; Liên kết phát triển úng dụng công nghệ cao giữa các tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên… đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm và cho nhiều ý kiến trong thảo luận.

Đối với chuyên đề Liên kết phát triển du lịch, các đại biểu đã nêu lên được những vấn đề quan trọng hiện nay thông qua các tham luận như: Du lịch Nông nghiệp sinh thái khu vực Tây Nguyên-từ cách tiếp cận cảnh quan; Giải pháp phát triển du lịch Buôn Ma Thuột; Liên kết phát triển ngành du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên…

Chuyên đề Liên kết phát triển hạ tầng vùng Tây Nguyên đã được các đại biểu thảo luận một cách tường tận thông qua các vấn đề như: Vai trò của hệ thống hạ tầng và đô thị vùng Tây Nguyên trong mối liên kết phát triển vùng; Cửa khẩu Đắc Peur, chìa khóa để đẩy mạnh liên kết vùng; Liên kết hạ tầng Tây Nguyên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng giải pháp phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế -xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng…

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Tây Nguyên được xem là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước… “Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất ngành hàng công nghiệp chất lượng cao và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, hiện nay việc liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã có sự phối hợp nhưng nhìn chung chưa mang lại hiệu quả. Để phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các tỉnh cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp liên kết vùng hết sức quan trọng. Vì đây là cách để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của vùng và các tỉnh.

Thực tế quá trình phát triển vừa qua tại các tỉnh Tây Nguyên đã cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Trong thời gian tới, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế, tăng cường chặt chẽ sự liên kết, phối hợp nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng.