Tìm hướng bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

PV.

Diện tích đất trồng lúa trên khắp cả nước đang ngày càng bị thu hẹp. Để tìm hướng bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt xoay quanh chủ đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đất nông nghiệp trong thời gian qua? Quá trình đô thị hóa có khiến đất nông nghiệp nói chung và đất lúa bị thu hẹp không và thu hẹp như thế nào?

Tìm hướng bảo vệ và phát triển đất trồng lúa - Ảnh 1

Ông Trần Xuân Định

-
Đất nông nghiệp cả nước thời gian qua có những biến động không nhỏ; Theo kết quả cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2011; chúng ta có gần 26,3 triệu ha đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp là 10,126 triệu ha; Đất trồng lúa (gồm đất 2 vụ lúa, đất 1 vụ lúa và đất lúa nương, đất lúa khác) là gần 4,1 triệu ha.

Nhìn chung đất nông nghiệp có sự gia tăng tương đối, diện tích gia tăng chủ yếu do khai hoang, mở rộng một phần đất chưa sử dụng, chuyển từ đất lâm nghiệp, khai phá rừng.

Trong cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa có sự suy giảm đáng kể (trên 340.000 ha), trung bình mỗi năm giảm trên 34.000 ha. Có 41/63 tỉnh giảm diện tích đất trồng lúa. Nguyên nhân giảm chủ yếu do chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại đất nông nghiệp khác, như: đất trồng rau, màu hoặc trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê), trồng cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và các loại đất phi nông nghiệp (công trình công cộng, phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn, hoặc đất sản xuất, kinh doanh).

Đất lúa bị chuyển thành đất phi nông nghiệp khá nhanh khi tỉnh nào cũng mở những khu công nghiệp, khu đô thị, và gần như các khu này đều từ đất lúa, hàng vạn ha đất lúa gồm cả đất “bờ xôi, ruộng mật” sau hàng vài trăm năm canh tác mới có, được đất đá đổ xuống thành các khu công nghiệp, đô thị. Đất lúa ước tính đến năm 2014 còn khoảng 4 triệu ha.

Ngược lại với đất lúa, diện tích đất phi nông nghiệp trên cả nước có mức tăng trưởng tương đối nhanh và tuyến tính trong vòng một thập niên qua. Trung bình mỗi năm, diện tích đất phi nông nghiệp gia tăng thêm khoảng 82.000 ha và tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức xấp xỉ 29%.

Sự thu hẹp đó ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng lúa và an ninh lương thực Việt Nam?

- Trước mắt, sản lượng lương thực của Việt nam trong những năm qua liên tục tăng, mặc dù diện tích đất lúa giảm, diện tích gieo trồng hàng vụ, hàng năm tăng giảm khác nhau do luân canh tăng vụ, nhưng do năng suất lúa lien tục tăng nên tổng sản lượng lúa tăng từ khoảng 40 triệu tấn năm 2011 lên mức gần 44 triệu tấn vào năm 2014, nếu cộng cả sản lượng cây lấy bột quy thóc thì chúng ta có trên 52 triệu tấn.

Theo số liệu thống kê hàng năm của Bộ NN&PTNT, năng suất lúa gia tăng đồng đều ở khắp các vùng miền; đặc biệt khoảng chênh lệch năng suất lúa giữa các vùng đất thâm canh và các vùng đất có yếu tố hạn chế, vùng núi, vùng phèn mặn ven biển đã hẹp lại rất nhanh.

Năng suất lúa hơn 1 thập niên qua đã gia tăng một cách đáng kể, năm 2000 năng suất bình quân cả nước 4,24 tấn/ha đến năm 2008 năng suất bình quân đạt 5,22 tấn/ha (tăng gần 1 tấn/ha).

Năng suất lúa bình quân cả nước năm 2009, 2010, 2011 tương ứng là 52,2 tạ/ha, 53,4 tạ/ha và 55,3 tạ /ha; năm 2012 năng suất đạt 56,4 tạ/ha cao nhất từ trước tới nay; năm 2013 năng suất lúa đạt 55,8 tạ/ha. Vùng có năng suất lúa trung bình cao nhất là vùng ĐBSH (59,2 tạ/ha); vùng thấp nhất là vùng ĐNB (47,6 tạ/ha). Tỉnh có năng suất lúa cao như Thái Bình (65 tạ/ha); Đồng Tháp (62 tạ/ha); Hưng Yên (64,5 tạ/ha).

Việt Nam hiện đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về năng suất lúa, cao hơn bình quân của Châu Á 17%, tuy nhiên chỉ bằng 75%-77% so với Trung quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Năng suất lúa của Việt nam gia tăng liên tục trong suốt những năm qua bất chấp sự biến đổi thất thường của khí hậu, bão, lũ và nhiều tác động tiêu cực khác.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy thói quen tiêu dùng gạo của người Việt cũng đã thay đổi, nếu trước đây bình quân nhân khẩu tiêu thụ 15-16 kg gạo/tháng thì hiện nay con số này đã giảm chỉ còn 12-13kg; một bộ phận dân cư có thu nhập khá chỉ còn ăn dưới 10kg gạo/tháng, và ăn gạo ngon. Cân đối cung cầu gạo những năm gần đây dựa trên tính toán nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu để làm giống cho vụ sau, nhu cầu cho chế biến và thức ăn chăn nuôi; dự trữ quốc gia về giống và lương thực ...Việt Nam vẫn còn dư thừa 7-8 triệu tấn gạo hàng năm.

Theo phân khai sử dụng đất lúa đã được Quốc hội phê chuẩn, dựa trên tính toán đảm bảo về an ninh lương thực, có tính tới tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta phải duy trì 3,8 triệu ha đất lúa cho tầm nhìn 2020 và đến 2030. Như vậy, mặc dù đất lúa sẽ tiếp tục bị chuyển đổi nhưng về cơ bản, an ninh lương thực của Việt nam vẫn được đảm bảo, không chỉ vậy chúng ta còn giữ an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp hay chính sách nào để bảo vệ đất trồng lúa?

- Trước tình hình chuyển đổi rất nhanh và ồ ạt diện tích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp và đất khác, dư luận xã hội vô cùng lo ngại về tình hình an ninh lương thực của chúng ta, ai cũng biết chúng ta đã trải qua những năm thiếu đói, và nhận thức về “phi nông bất ổn” càng đúng hơn khi mà kinh tế thế giới suy thoái, sự tăng vọt giá lương thực năm 2007-2008, giá thóc gạo lập một mặt bằng mới trên toàn cầu; sự bất ổn về chính trị ở những Quốc gia thiếu lương thực, thực phẩm…

Trước bối cảnh đó, năm 2012, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/2/2012, nghị định này có hiệu lực 1/7/2012, quy định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa với mục tiêu là quản lý một cách chặt chẽ quỹ đất lúa dựa trên các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được chính phủ phê duyệt; Nghị định cũng đưa ra các quy định về các điều kiện, số lượng diện tích được chuyển đổi, đặc biệt việc chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định 42 đã đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, cho địa phương và cho người trồng lúa với mức là 1triệu đồng/ha đất chuyên lúa trong đó 500 ngàn đồng cho người trồng lúa.

Qua hơn 3 năm thực hiện, một số quy định trong nghị định 42 có nhiều bất cập và các thủ tục rất rắc rối, phức tạp; trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương, Bộ NN&PTNT tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi nghị định 42 để vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phân cấp quản lý sâu hơn cho địa phương và phải tiếp tục quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Ngày 13/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa thay thế nghị định 42 có nhiều bất cập trước đây. Nghị định 35 có hiệu lực thừ 1/7/2015.

Nghị định vẫn quy định chặt chẽ việc sử dụng và chuyển đổi đất lúa phải tuân thủ luật đất đai 2013, tuân thủ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Các chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được nâng mức hỗ trợ cao hơn cho cả địa phương và người trồng lúa;

Một số điểm mới của Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đó là khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp thì người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa;

Trong đó, mức nộp cụ thể tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp; chính sách hỗ trợ cho các địa phương tăng lên về mức hỗ trợ và phạm vi hưởng như ngoài hỗ trợ cho địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên), thì địa phương còn được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm (mức cũ 500.000 đồng/ha/năm) đối với đất chuyên trồng lúa nước, 500.000 đồng/ha/năm (mức cũ 100.000 đồng/ha/năm) đối với đất trồng lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ cụ thể cho việc khai hoang, cải tạo đất trồng lúa như 10.000.000 đồng/ha/năm đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa, 5.000.000 đồng/ha/năm đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; việc sử dụng kinh phí được mở rộng để phù hợp với điều kiện địa phương như: phục vụ lập quy hoạch, bản đồ các vùng chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao; dùng để phân tích hóa, lý tính của vùng đất chuyên trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; cải tạo chất lượng đất trồng lúa, đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông, thủy lợi...