Tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long

pv.

(Tài chính) Trong khuôn khổ Lễ hội Dừa Bến tre lần IV năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo Vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long chiều ngày 7/4.

Dư nợ tín dụng của vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng gia tăng qua các năm. Nguồn: internet
Dư nợ tín dụng của vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng gia tăng qua các năm. Nguồn: internet
Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre và trên 200 đại biểu đại diện ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của khu vực phát triển nhanh, bền vững, mang lại đời sống ấm no cho người dân trong khu vực. Ngành Ngân hàng cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp và người dân trong khu vực để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu là thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, những năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Số liệu giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng của vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng gia tăng qua các năm, cụ thể tăng từ 271.556 tỷ đồng năm 2012, 302.794 tỷ đồng năm 2013 lên 334.146 tỷ đồng năm 2014 (chiếm khoảng hơn 9% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nước).

Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung đánh giá những rủi ro, thách thức trong sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới; đánh giá vai trò tín dụng đối với xuất khẩu; những khó khăn, bất cập trong phối hợp giữa các chính sách đối với chính sách tín dụng ngân hàng để thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; kiến nghị, đề xuất tạo lập chính sách làm tăng tính hiệu quả đồng vốn...