TPP và ngành Nông nghiệp Việt Nam

Huy Hiếu

Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất quá trình đàm phán. TPP hứa hẹn sẽ đem lạ nhiều lợi ích nhưng cũng không ít thách thức cho ngành Nông nghiệp của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều cơ hội cho ngành Nông nghiệp

Theo Lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TPP được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước ta.

Trước tiên, TPP sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, giúp chúng ta giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2015, xuất khẩu vào Trung Quốc, rau quả chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 64% tổng khối lượng xuất và 62% nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vì vậy, nếu gia nhập TPP thì xuất khẩu nông sản sẽ giảm phụ thuộc vào nước này.

TPP sẽ giúp quá trình điều chỉnh tái cơ cấu xuất khẩu nông sản diễn ra nhanh hơn khi tiếp cận được các thị trường của các quốc gia thành viên. Trong đó, Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường dự báo sẽ gia tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Sau khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản sẽ giảm mạnh. Hầu hết các hàng nông sản đã giảm thuế xuống hơn 90%, và có những mặt hàng đã xuống 9%...và theo lộ trình giảm thuế thì sau một thời gian mức thuế suất của nhiều mặt hàng sẽ về 0, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có lợi thế như đồ gỗ, thủy sản…

Sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu nước ta sẽ tăng cao. Một số mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, Nhật Bản như thủy sản, đồ gỗ… sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá tốt hơn.

TPP được ký kết cũng sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn FDI vào nông nghiệp. Tính tới cuối năm 2014, cả nước mới có 512 dư án FDI nông nghiệp với 3,3 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 1,4% vốn cam kết FDI vào Việt Nam. Thuế TPP bằng 0% sẽ tạo nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy nhanh thu hút vốn đầu tư. Vào TPP, kết hợp với đẩy nhanh quá trìnhtái cơ cấungành nông nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ thu hút nhiều DN FDIđầu tưvào lĩnh vực nông nghiệp.

Thách thức không nhỏ

Tuy mở ra cơ hội rất lớn, song nông nghiệp cũng được đánh giá là lĩnh vực sẽ gặp nhiều thách thức nhất của Việt Nam khi tham gia TPP. Sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình. Hiện cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, đa phần trong số các doanh nghiệp là nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%, điều kiện sản xuất còn hạn chế nên sẽ rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, với một số loại nông sản mà một số nước trong TPP như Australia, New Zealand, Chile, Hoa Kỳ có thế mạnh (thịt lợn, thịt gà…) sức ép cạnh tranh khá lớn khi thuế được đưa về 0%. Đây đều là những mặt hàng nước ta sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước không có lợi thế cạnh tranh nào khi tham gia TPP. Ngành chăn nuôi các nước khác đều mạnh và chuyên nghiệp hơn. Tham gia TPP ngành chăn nuôi được đánh giá là sẽ gặp khó khăn nhiều nhất khi công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn còn nhiều bất cập.

Nếu không kịp thời chấn chỉnh công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì ngành chăn nuôi sẽ rất khó cạnh tranh ngay cả trên thị trường trong nước, đặc biệt là khi tham gia TPP, thị trường trong nước mở rộng hơn cho thực phẩm nhập khẩu tử các quốc gia thành viên TPP.

Không riêng gì lĩnh vực chăn nuôi, một số sản phẩm nông nghiệp khác như: sữa, đậu tương, ngô và một số nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc… cũng gặp khó khăn dù mức độ không lớn. Những sản phẩm này hiện Việt Nam phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Giải pháp cho ngành Nông nghiệp

TPP sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Các cơ hội và thách thức nêu trên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ở trình độ cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không sản xuất được hàng hóa có giá trị, doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ.

TPP cho thấy, Nhà nước cần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp bằng vốn, khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung cần tìm được phân khúc sản xuất phù hợp khi TPP có hiệu lực.