Triển vọng phát triển vùng trồng nho ở Lạng Sơn

pv.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã đưa về trồng thành công giống nho Cự Phong trên địa bàn xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Sau 5 năm trồng khảo nghiệm và thí điểm ở các hộ dân, giống nho này được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn, mở ra triển vọng phát triển vùng trồng nho, nâng cao thu nhập cho bà con ở đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đi qua cánh đồng thôn Nà Chuông I, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi những giàn cây xanh mướt, thẳng, đều tăm tắp. Thấp thoáng trong những giàn cây là những trùm quả nho nặng trĩu, một loại quả lần đầu tiên được trồng ở cánh đồng này. Đó là giống nho Tảo Hồng và Cự Phong trồng tại đây. Việc thử nghiệm thành công giống nho Cự Phong mở ra triển vọng phát triển thêm một vùng trồng nho Lạng Sơn, nâng cao đời sống cho bà con.

Anh Hoàng Văn Thuận, nông dân xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn là hộ dân đầu tiên ở đây tham gia trồng thí điểm giống nho này. Sau 1 năm trồng thử, cây nho đã cho thu hoạch 2 vụ/năm. Với giá bán 80 000 – 90.000 đồng một cân, anh có một khoản thu nhập tương đối khá. “Trồng nho này hiệu quả của nó thì cao hơn ngô khoảng 5 lần.”- Anh Thuận nói.

Giống nho Cự Phong có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2009, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã đưa giống nho này về trồng thí điểm. Bởi, hai địa phương có những điều kiện khí hậu tương đồng. Điểm đặc biệt là giống nho này có thể sống ở điều kiện khí hậu lạnh, độ ẩm cao. Anh Lê Quang Khiêm - Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết:“Trong quá trình trồng thấy chúng không phức tạp, nông dân hoàn toàn có thể nắm bắt được kỹ thuật, chỉ cần tỷ mẩn một chút”

Năng suất cây nho khá cao. Một cây có thể cho từ 2-3kg/ vụ. Một ha có thể thu về 17,5 tấn. Cây nho có thể cho thu hoạch hơn 10 năm. 1 chùm nho có thể nặng 350gram. 77% quả không có hạt, hoặc có hạt rất ít. Vỏ quả màu tím đen, dễ bóc vỏ. Độ đường đạt 17,6% tương đương độ ngọt của quả nhãn.

Theo Sở Khoa học công nghệ thì Lạng Sơn hoàn toàn có triển vọng để trồng giống nho này. Qua 3 năm triển khai và trồng thử nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ tỉnh, hai loại giống là Cự Phong và Tảo Hồng đều cho chất lượng quả khá cao, năng suất trung bình đạt 380 đến 460kg/sào. Hạch toán kinh tế cho thấy 1 sào trồng được trên 140 cây nho, với giá bán từ 80 đến 90.000đ/kg thì hiệu quả kinh tế từ cây nho là rất lớn. Đáng nói là khi biết tin trồng thành công giống nho này trên địa bàn thì nhân dân trên địa bàn Thành phố Lạng Sơn đặt hàng, mua rất nhiều và rất an tâm về chất lượng. Nho chín đến đâu, dân đến mua hết đến đấy.

Đến nay cây nho ở xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn đang phát triển tốt. Cây nho có khả năng cho thu hoạch liên tục trong khoảng 20 năm kể từ ngày trồng. Khi chín, nho Cự Phong có màu tím thịt quả mềm, nhiều nước. Nho Tảo Hồng có màu hồng nhạt, thịt quả giòn vừa. Các hộ dân đã được các chuyên gia và cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ tỉnh hướng dẫn các biện pháp khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây nho phát triển tốt nhất. Từ khâu tỉa cành nho, bảo vệ hoa, tăng tỉ lệ thụ phấn, tỉa quả tạo hình thái chùm và bảo vệ quả đến các phương pháp phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó cây nho luôn sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Theo anh Hoàng Văn Thuận Xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, Lạng Sơn, giờ nho đã sống được ở đất này, vấn đề là địa phương cần quy hoạch cánh đồng thành vùng nho, có như vậy nho mới thành hàng hóa. Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, nho đã thành công ở Mai Pha, ở vườn thực nghiệm của Sở. Giờ phải đưa nó vào sản xuất. Giờ mỗi năm cả vườn nho đạt vài tạ thu trên mấy chục triệu đồng, còn quá ít so với những gì người dân mong đợi…

Giờ đây nho đã hiện hữu nơi Mai Pha, thương hiệu đã được khẳng định. Việc mở rộng thành cánh đồng chỉ còn là vấn đề thời gian, người dân đã thấy lợi ích của chuyển đổi cây trồng. Khi ấy nho Mai Pha sẽ tạo thêm cho xứ Lạng một loại quả đặc sản, bởi nho ở đây rất lạ ngọt ngào và mang hương vị nắng gió rất riêng Mai Pha.