Ngành Thủy sản:

“Vượt” rào cản phi thuế quan như thế nào?

PV.

(Taichinh) - Tạo ra sản phẩm theo giá trị gia tăng và tìm được kênh phân phối bền vữnglà cách tốt nhất giúp các DN xuất khẩu thủy sản vượt qua hàng rào phi thuế quan khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các DN xuất khẩu thủy sản (XK) khi tham gia vào các FTA thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết đã mở ra nhiều thuận lợi cho DN XK thủy sản Việt Nam. Ông nhận định thế nào về vấnđề này?

“Vượt” rào cản phi thuế quan như thế nào? - Ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Dũng

- Khi tham gia FTA, cụ thể như Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK dưới dạng nguyên liệu được hưởng thuế suất bằng 0 hoặc giảm mạnh. Với ưu đãi này, đương nhiên sẽ thuận lợi cho các DN XK thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi về giảm thuế, các DN Việt Nam sẽ phải vượt qua hàng rào phi thuế quan, hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc.

Hàng rào kỹ thuật chính là yếu tố quan trọng mà các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần vượt qua để góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, DN phải vượt qua điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), không chỉ dừng ở ngưỡng tối thiểu mà DN phải chế biến sâu hơn để đáp ứng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật mà đối tác đặt ra. Đó chính đó là thách thức đối với DN khi XK.

Theo ông đây có phải là khó khăn chung của các DN XK khi tham gia FTA nói chung và FTA Việt Nam - Hàn Quốc nói riêng?

- Phải vượt qua hàng rào kỹ thuật là điều kiện bắt buộc đối với các DN XK thủy sản khi tham gia vào các FTA. Đó cũng là khó khăn, thách thức lớn nhất của các DN XK. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản khi XK vào các thị trường thường được kiểm soát, khống chế bởi Hiệp định TBT (Hiệp định hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) và SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật). Theo đó, các DN phải đạt các yêu cầu về ATTP (các sản phẩm không chứa đựng mối nguy vật lý, sinh học, hóa học)…

Xu thế chung của thương mại quốc tế là hàng hóa có thể tự do đi lại và sẽ có thuế nhập khẩu bằng 0. Do không thể tăng thuế nhập khẩu, các nước sẽ sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Vì vậy, điều tiên quyết, sống còn đối với DN xuất nhập khẩu là phải tìm hiểu thật kỹ rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế để tránh những rủi ro, tổn thất không đáng có.

Vậy DN cần phải làm gì để vượt qua rào cản kỹ thuật khi tham gia vào các FTAvàtăng sức cạnh tranh cho DN, thưa ông?

- Để DN vượt qua rào cản kỹ thuật khi tham gia vào các FTA, DN cần phải tạo ra sản phẩm theo giá trị gia tăng và thiết lập mối quan hệ với nhà phân phối, đặc biệt là hợp tác lâu dài với hệ thống siêu thị.

Thủy sản có 2 đầu, một là sống, hai là tươi. Ví dụ, đối với cá tra, cá chim, nếu XK cá sống sang Hàn Quốc, giá cực kỳ cao,nhưng nếu làm tươi (ướp đá ngay nguyên con và chuyển ngay bằng đường hàng không) giá sẽ thấp hơn một bậc so với xuất sống. Nhưng nếu làm đông giá sẽ thấp hẳn, mặc dù chi phí bỏ ra để làm đông nhiều hơn. Vì thế, DN phải tạo ra được những sản phẩm giá trị gia tăng sau đông theo thị hiếu của thị trường để gia tăng lợi nhuận.

Đặc biệt, DN phải tìm được kênh phân phối sản phẩm, cụ thể là hệ thống các siêu thị, kết nối và làm ra những mặt hàng đặc trưng cho từng hệ thống siêu thị, mang tên DN hoặc mang tên hệ thống siêu thị đó để bán hàng.Thực tế hiện nay các DN Việt chưa được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng thực tế để thiết lập kênh phân phối, quan hệ lâu dài với siêu thị.

Hiện mỗi nước đều có một hệ thống siêu thị đặc thù, nếu DN luôn luôn đổi mới sản phẩm, tạo ra sản phẩm "chỉ có của riêng mình" và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường đó thì sẽ có chỗ đứng trong siêu thị. Điều này cũng giúp DN vượt qua rào cản kỹ thuật, phát triển bền vững.

Rào cản kỹ thuật bao gồm: Các quy định về tiêu chuẩn chất lượng (yêu cầu, qui định đối với sản phẩm, thủ tục đánh giá, giám định về chất lượng sản phẩm). Tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng (quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu mã sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ...). Tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội. Quy định về bảo vệ môi trường (hệ thống ISO14001:2000). Hệ thống này xem xét vấn đề về bảo vệ môi trường trong sản xuất sản phẩm, tạo sản phẩm xanh, sạch.