Xử phạt gần 4.000 vụ vi phạm về phân bón mỗi năm

PV.

Hàng năm, các cơ quan quản lý đã kiểm tra, xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bình quân gần 4.000 vụ vi phạm.

Phân bón giả đang hành hoành trên thị trường
Phân bón giả đang hành hoành trên thị trường

Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Lập lại thị trường phân bón Việt Nam", do Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp tổ chức ngày 28/9, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), phân bón là sản phẩm phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhưng cũng là sản phẩm hay bị làm giả, kém chất lượng. Hàng năm, các cơ quan quản lý đã kiểm tra, xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bình quân gần 4.000 vụ vi phạm. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết thêm, trong tháng 8/2015, hiệp hội đã tổ chức điều tra trên 80% tỉnh, thành, kết quả cả nước có hơn 750 cơ sở sản xuất phân bón. Riêng TP.HCM có 491 công ty, chi nhánh, trong đó 267 đơn vị sản xuất phân bón. Tỉnh Long An có 42 công ty, Đắc Lắk 37 công ty, Đồng Nai 47 công ty… Nếu điều tra 100% các tỉnh thành thì con số trên 1.000 cơ sở... "Chính những nơi này là "cái nôi" dễ phát sinh sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường", ông Thúy nhận định. 

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết, thời gian gần đây nhiều vụ việc nghiêm trọng về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón…đã được phát hiện gây bức xúc trong dư luận.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, ông Thế cho rằng, do hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón còn nhiều bất cập, tồn tại và nổi cộm một số vấn đề, trong đó có công tác chỉ đạo điều hành, quản lý đối với các mặt hàng phân bón chưa có sự thống nhất, hiệu quả phối hợp các bộ, ngành, chức năng chưa cao. 

"Cụ thể, Nghị định số 202/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ (NĐ 202) về quản lý phân bón giao nhiệm vụ quản lý cho Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đối với phân bón vô cơ, hữu cơ, những việc theo dõi tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành, quản lý chung còn rất yếu, không nắm được tổng thể tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp…”, ông Thế nói.

Bên cạnh đó, theo nhận định của ông Thúy, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, phát triển trong cơ sở sản xuất phân bón, các địa lý kinh doanh và ngay trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. 

"Đặc biệt, hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê tiêu cực khác của các lực lượng thi hành công vụ tham gia còn tiếp tay cho gian thương. Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, gây thiệt hại hàng chục triệu triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua…”, ông Thúy nhấn mạnh.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho biết thêm, kết quả sơ bộ 8 tháng đầu năm 2016, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 132.860 vụ việc vi phạm, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2015. Số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt hơn 8.861 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2015; khởi tố 1.237 vụ đối với 1.532 đối tượng.