Xuất khẩu mật ong - Thế mạnh của ngành Nông nghiệp

PV.

Việt Nam hiện là một trong 6 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Hàng năm, Việt Nam có tới 60% sản lượng mật ong được xuất khẩu, con số này có ý nghĩa quan trọng để làm tiền đề cho sự phát triển ngành ong mật Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xuất khẩu mật ong có nhiều thế mạnh

Theo thông tin từ Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính nước ta có trên 1,5 triệu đàn ong, trong đó 350.000 đàn ong nội, chiếm (23,33%), 1.150.000 đàn ong ngoại, chiếm 76,67%. Số người nuôi ong khoảng 34 nghìn người, trong đó số người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.350 người, chiếm 18,67%.

Đặc biệt là, theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết, trong 12 thành viên của TPP, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất cho xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Năm 2014, Hoa Kỳ nhập khẩu 165.584 tấn mật ong từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 47.009 tấn mật ong vào Hoa Kỳ, chiếm 28,4%, trở thành nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào Hoa Kỳ.

Ông Bùi Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu cho biết, Việt Nam được đánh giá là thị trường xuất khẩu mật ong đầy tiềm năng. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu mật ong lớn trên thị trường thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về xuất khẩu mật ong. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 46,6 nghìn tấn mật ong, đạt kim ngạch trên 120 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu mật ong lại quá tập trung vào thị trường Mỹ với 90% trên tổng lượng xuất khẩu, chỉ có 10% còn lại là ở các thị trường khác, trong đó có châu Âu.

Năm 2015, xuất khẩu của ngành ong Việt Nam được dự báo có nhiều triển vọng khả quan khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Trong quý I/2015, chỉ tính riêng thị trường châu Âu, các DN Việt Nam đã xuất đuợc trên 80 tấn mật ong. Đây đuợc xem là tín hiệu tích cực đối với việc xâm nhập vào thị truờng này.

TS. Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Chương trình nuôi ong mật cho nội tiêu và xuất khẩu đang được ưu tiên phát triển, trong đó việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống truy xuất nguồn gốc của mật ong từ “trại nuôi đến bàn ăn” là rất cần thiết để khẳng định chất lượng mật ong giúp ngành ong Việt Nam dần có vị thế trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc nuôi ong mật cũng giúp thụ phấn cho cây trồng, nhằm tăng sản lượng và chất lượng cho cây trồng”.

Phương hướng xuất khẩu mật ong trong thời gian tới

Ngành chăn nuôi ong là ngành có giá trị xuất khẩu cao. Để đạt được yêu cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phát triển chăn nuôi (trong đó có nuôi ong mật) theo quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành hàng, liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp vào khâu lưu thông sản phẩm.

Bàn về phương hướng xuất khẩu mật ong, các chuyên gia cũng đã đề cập đến những yếu tố như: nâng cao chất lượng đàn giống gốc; định hướng phát triển ong mật hiệu quả, bền vững; tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa nuôi ong và cây trồng; vấn đề kiểm dịch và vận chuyển đàn ong; vấn đề thị trường xuất khẩu mật ong, đặc biệt với thị trường Mỹ và EU...

Trong những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có chủ trương, chính sách phát triển nuôi ong đối với cây trồng gắn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm ong mật theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Trong thời gian tới, để giữ vững thị trường xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ và một số các nước khác, việc áp dụng thực hành nuôi ong tốt (VietGAHP), hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức truy xuất từ cơ sở nuôi ong đến các cơ sở thu gom, chế biến và kinh doanh mật ong phát hiện vi phạm (nếu có) để thu hồi, xử lý sản phẩm mất an toàn là hết sức cần thiết. Để phát triển bền vững ngành ong Việt Nam cần tập trung những giải pháp sau:

Một là: Mở rộng sản xuất theo chuỗi hàng hoá quy mô lớn để xuất khẩu, cùng với phát triển nuôi ong quy mô nhỏ, nông hộ để tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần xoá đói giảm nghèo.

Hai là: Nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng các giống ong ngoại và ong nội hiện có tại Việt Nam. Nâng cao năng suất mật ong tăng từ 1,0 - 1,5%/năm, đạt 42 - 43 kg mật/thùng tiêu chuẩn/ năm đối với ong ngoại và đạt 21 - 23 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong nội.

Ba là: Xây dựng và bảo vệ thương hiệu mật ong Việt Nam, đặc biệt là chống gian lận thương mại.

Bốn là: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về nuôi ong mật với cây trồng, nâng cao nhận thức cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định về phát triển chăn nuôi an toàn bền vững.