19 công ty quản lý quỹ chưa từng có quỹ

Theo Nguyễn Hữu//tinnhanhchungkhoan.vn

Trong số 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, có 19 công ty chưa từng huy động được vốn để lập quỹ đầu tư từ nhiều năm nay.

Ở Việt Nam, thói quen nhà đầu tư tự đầu tư là một trong những lý do khiến các công ty quản lý quỹ khó gọi vốn.
Ở Việt Nam, thói quen nhà đầu tư tự đầu tư là một trong những lý do khiến các công ty quản lý quỹ khó gọi vốn.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện ngành quỹ Việt Nam có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường và 4 công ty đang trong diện tái cấu trúc (2 công ty chấm dứt hoạt động, 1 công ty đang giải thể, 1 công ty bị kiểm soát).

Ngoài ra, có một số công ty quản lý quỹ hoạt động không hiệu quả đã chủ động tái cấu trúc nội bộ thông qua thay đổi cơ cấu cổ đông, ban quản trị, điều hành, hoặc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh...

Ðáng chú ý, có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” trong số các công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Cụ thể, trong khi các công ty tốp đầu đã thành công trong gọi vốn thành lập khá nhiều quỹ đầu tư như: Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty cổ phần Quản lý quỹ MB (MB Capital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital), Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt…, thì không ít công ty sau nhiền năm hoạt động vẫn không huy động nổi vốn để thành lập quỹ (xem bảng).

Không chỉ những công ty nhỏ, ít tên tuổi gặp khó khăn trong huy động vốn để lập quỹ đầu tư, mà ngay cả những “ông lớn” đã từng thành công trong huy động vốn thành lập một số quỹ, hiện không quản lý quỹ đầu tư nào như Công ty liên doanh Quản lý đầu tư BIDV - Vietnam Partners.

Ðây là công ty có tỷ lệ vốn góp 50:50 của Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH Vietnam Partners (là ngân hàng đầu tư của Mỹ), từng thành công trong gọi vốn để thành lập hai quỹ là Quỹ đầu tư Việt Nam (VIF) và Quỹ đầu tư Việt Nam II (VIF II), nhưng đến nay Công ty không quản lý quỹ nào sau khi cả hai quỹ này đã đóng.

Thông tin trên website của Công ty tại địa chỉ: www.bvim.com.vn chậm được cập nhật, khi tại ngày 15/3/2019, số liệu tài chính mới nhất là báo cáo tài chính bán niên 2018, với kết quả kinh doanh thua lỗ.

Quản lý quỹ là một trong 3 nghiệp vụ xương sống của công ty quản lý quỹ, bên cạnh quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Trên thực tế, không chỉ khó khăn trong gọi vốn để lập quỹ, một số công ty quản lý cũng không thành công trong hình thành và quản lý danh mục đầu tư. Trong số 19 công ty không có quỹ đầu tư, thì có 4 công ty vừa không có quỹ đầu tư, vừa không quản lý danh mục đầu tư. 

Vì đâu khó lập quỹ?

Lý giải nguyên nhân khiến các công ty quản lý quỹ khó huy động vốn lập quỹ, một lãnh đạo Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cái khó là thói quen và văn hóa đầu tư, cũng như cơ chế không những không ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào quỹ, mà còn bị đối xử không công bằng so với một số kênh đầu tư khác.

Theo đó, ở Việt Nam, thói quen nhà đầu tư tự đầu tư khiến các công ty quản lý quỹ khó gọi vốn. Việc thay đổi thói quen này không đơn giản, nên cần nhiều thời gian và giải pháp.

Từ thông lệ quốc tế cho thấy, trong giai đoạn phát triển ban đầu, các loại hình quỹ đầu tư thường nhận được sự ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam không những chưa có cơ chế này, mà ngược lại, các công ty quản lý quỹ còn đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức so với một số kênh đầu tư.

Chẳng hạn, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng luôn mang lại mức lãi suất khá cao (phổ biến từ 5,5 - 6,5%/năm), nhưng người gửi tiền không phải kê khai và đóng thuế, trong khi quỹ đầu tư phải chịu ràng buộc nhiều nghĩa vụ. Cụ thể, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin, tuân thủ các nghĩa vụ với ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký, phải nộp thuế…

Một lý do khác khiến nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư qua quỹ là thành tích hoạt động của không ít quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ chưa chứng minh được khả năng sinh lời như kỳ vọng của nhà đầu tư. 

Có nên “xóa tên”?

Tại Hội nghị triển khai giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 mới đây, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ nêu vấn đề, công ty quản lý quỹ nhưng không có quỹ, không có danh mục quản lý, thế thì sao gọi là công ty công ty quản lý quỹ? Số công ty quản lý quỹ có quỹ chiếm tỷ lệ thấp, trong khi hàng loạt công ty không có quỹ, không quản lý danh mục đầu tư, thế sao chấp nhận được? Bởi vậy, cơ quan quản lý cần yêu cầu các tổ chức này tự xây dựng phương án tái cơ cấu và triển khai, đồng thời phân loại các công ty để có hướng xử lý.

Ý kiến từ thị trường cho rằng, nếu công ty quản lý quỹ không huy động được vốn để lập quỹ, nhưng vẫn có danh mục đầu tư để quản lý, hoạt động tư vấn được duy trì, thì cho phép hoạt động là bình thường. Trên thị trường quốc tế, nhiều nước cho phép công ty quản lý quỹ không có quỹ đầu tư hoạt động.

Tuy nhiên, cần có cơ chế mạnh để “xóa tên” những công ty quản lý quỹ ốm yếu; nhiều năm không huy động được vốn để lập quỹ; hoạt động kém minh bạch, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường.

Công ty Quản lý quỹ MB đề xuất, Ban soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi nên bổ sung điều kiện duy trì giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ. Theo đó, dự luật có thể quy định một thời hạn nhất định kể từ khi được cấp giấy phép hoạt động, hoặc kể từ khi giải thể quỹ cuối cùng, công ty quản lý quỹ phải thành lập ít nhất một quỹ mới để duy trì giấy phép hoạt động.

Quá thời hạn đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể xem xét thu hồi giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ. Quy định này nhằm đảm bảo các công ty quản lý quỹ được thành lập và duy trì hoạt động cốt lõi theo đúng quy định của Luật Chứng khoán cũng như Luật Doanh nghiệp.

Cùng với tạo cơ chế mới nhằm thanh lọc các công ty quản lý quỹ, ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam đề xuất, cần sử dụng công cụ, sức ép mang tính thị trường để “xóa tên” các công ty quản lý quỹ yếu kém.

“Gần đây, khi thị trường chứng khoán phục hồi đã xuất hiện một số tổ chức và cá nhân có nhu cầu thành lập mới công ty quản lý quỹ. Thế nhưng, cơ chế quản lý hiện hành gần như không thể thành lập mới loại hình công ty này. Nhà quản lý nên cho phép lập mới công ty quản lý quỹ, từ đó tạo ra sự cạnh tranh, sức ép đào thải các công ty quản lý quỹ yếu kém, thay vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải vất vả tiến hành tái cơ cấu”, ông Mạnh nói.

ảnh 1