70% doanh nghiệp XKLĐ kém hiệu quả

Theo Toquoc

Trong phiên làm việc chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát và thảo luận chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, thương binh, xã hội, trong tổng số 167 doanh nghiệp, dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực này chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Điểm đáng chú là trong số 167 doanh nghiệp này lại chỉ có 18 doanh nghiệp có hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh doanh chính, còn lại là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành.

Báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay đổi trụ sở, điện thoại liên hệ, thay đổi chức năng, nhiệm vụ về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; đưa công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài bằng visa du lịch, sau đó ở lại bất hợp pháp để kiếm việc làm; một số tổ chức, cá nhân tuyển dụng trái phép công dân đi nước ngoài lao động; lừa đảo người lao động… Tuy nhiên việc xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ có hành vi vi phạm pháp luật còn ít.

Theo đoàn giám sát, cần sớm chỉ đạo việc sơ kết ba năm thực hiện Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số vấn đề của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần sửa đổi. Cụ thể là vấn đề như chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ: Việc quy định cho phép doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cho không quá 03 chi nhánh ở tỉnh, TP trực thuộc trung ương để thực hiện một số nội dung trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không quản lý được hoạt động của chi nhánh, hoặc tình trạng doanh nghiệp quản lý chi nhánh theo cơ chế khoán, biến tướng thành hiện tượng “cho thuê giấy phép”.

Trong khi đó, nhiều địa phương cũng đề nghị bổ sung quy định buộc doanh nghiệp đưa số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có văn phòng đại diện ở nước ngoài để giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động.

Luật cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong báo cáo với địa phương tình hình đưa lao động tại địa phương đi làm việc ở nước ngoài, tình hình về nước, trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn…; hợp đồng cung ứng lao động tại các thị trường; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước …

Đoàn giám sát cũng kiến nghị cần có định hướng chiến lược về xuất khẩu lao động phù hợp với sự phát triển đất nước, công tác giải quyết việc làm trong nước, định hướng xuất khẩu lao động có tay nghề cao là chủ yếu, giảm dần tiến đến hạn chế việc chạy theo số lượng, mở rộng khai thác thị trường có thu nhập cao, hạn chế đưa lao động đến thi trường có thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn. Đồng thời đề nghị, Quốc hội xem xét, cân nhắc và thảo luận việc giao chỉ tiêu hằng năm về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bởi việc giao chỉ tiêu thường gắn với các chính sách bảo đảm thực hiện, trong khi lĩnh vực này chúng ta chưa có được những chính sách như vậy mà chủ yếu do người lao động, doanh nghiệp vận động…

Được biết, ước tính có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. Thanh Hóa là tỉnh có số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất với 30.278 người, Lai Châu là tỉnh có số lượng thấp nhất: 72 người./