Ảnh hưởng của những doanh nghiệp “sống thực vật” tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2019

Mục đích nghiên cứu của nhóm tác giả nhằm phân tích những tác động của doanh nghiệp “sống thực vật” tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Qua nghiên cứu có thể thấy, dù có tác động tích cực là giảm tỷ lệ thất nghiệp, song các doanh nghiệp này lại gây ra hàng loạt tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế như: Giảm năng suất lao động, bóp méo hoạt động thị trường khi tác động vào tỷ lệ việc làm mới được tạo thêm, giảm hiệu quả của việc phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế, lãng phí nguồn lực, ngăn chặn các doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường… Để khắc phục những hạn chế này, Chính phủ cần sớm nghiên cứu đưa ra những chính sách phù hợp để kiểm soát tác động tiêu cực của các doanh nghiệp này đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các quan điểm khác nhau về doanh nghiệp “sống thực vật”

Trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp (DN) “sống thực vật” là một khái niệm tương đối mới. Thuật ngữ này xuất hiện vào cuối những năm 1980, theo dòng lịch sử đến nay có nhiều quan điểm, nhiều khái niệm về DN hoạt động không hiệu quả trong các nghiên cứu khắp nơi trên thế giới (Jiang et al., 2017). Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ DN “sống thực vật” trở nên phổ biến trong giới truyền thông suốt năm 2008 để chỉ những công ty nhận cứu trợ theo chương trình TARP (troubled asset relief program) của Chính phủ (Thomas, 2012).

Trong nghiên cứu của mình, Hoshi (2006) cho rằng, các DN “sống thực vật” là những công ty mất khả năng thanh toán và có rất ít hy vọng phục hồi. Trong nhiều trường hợp, các DN này nhận được nguồn vay mới từ các ngân hàng, từ đó tiếp tục “tồn tại một cách thực vật”. Tuy nhiên, Hoshi (2006) cho rằng, sự tồn tại của DN “sống thực vật” làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn của các DN “khỏe mạnh” trong nền kinh tế.

Ảnh hưởng của những doanh nghiệp “sống thực vật” tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước thường tồn tại khá nhiều doanh nghiệp “sống thực vật”, theo kiểu “sống dở, chết cũng dở”. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2012-2016, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có xu hướng giảm sút, thể hiện rõ qua chỉ tiêu ROE giảm 39%, ROA giảm 30%.

Khi nghiên cứu về các DN “sống thực vật”, Caballero et al. (2008) đã nhận diện và đưa ra các đặc điểm riêng của những DN này. Các DN “sống thực vật” có tỷ lệ nợ cao và hoạt động không hiệu quả với mức năng suất thấp. Điều này sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và hạn chế tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Như vậy, đến nay, chưa có sự thống nhất về khái niệm DN “sống thực vật” và cũng chưa có sự phân định cụ thể trong khái niệm này (Papworth, 2013). Tuy vậy, các nghiên cứu đều thống nhất những nội dung quan trọng nhất của một DN “sống thực vật”: Đây là DN làm ăn kém hiệu quả, có những khoản vay nợ lớn, nhưng khả năng hoàn trả là rất thấp, công việc kinh doanh không sinh lời, trì trệ, có thể đang trên bờ vực phá sản, sở dĩ tồn tại được là do những khoản vay tiếp tục được “bơm” từ ngân hàng, với lãi suất rất thấp. Những DN hoạt động không hiệu quả này làm tăng chi phí gia nhập thị trường của những DN non trẻ và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp “sống thực vật”

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng về việc đưa ra các tiêu chí xác định DN hoạt động không hiệu quả là trong nghiên cứu của Caballero và cộng sự công bố năm 2008. Nhóm nghiên cứu đã phân tích và đưa ra một tiêu chí đơn giản để xác định DN “sống thực vật”, đó là các mức lãi suất thanh toán. Theo đó, một DN được coi là “sống thực vật” sẽ được hưởng mức lãi suất thanh toán thấp hơn so với một DN “khỏe mạnh”. Do đó, cách thức tiếp cận này xác định các DN “sống thực vật” dựa trên sự khác biệt giữa lãi suất thực tế của các DN và các khoản thanh toán lãi suất phi rủi ro giả định (mức tối thiểu này được ước tính từ lãi suất mà người vay đáng tin cậy nhất trả). Nếu con số này là âm thì chắc chắn các DN này "sống thực vật", vì lãi suất thấp hơn các DN “khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, Fukuda and Nakamura (2011) cho rằng, nếu chỉ đưa ra một tiêu chí trên thì có thể sẽ xác định sai các DN hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân là: thứ nhất, trong nhiều trường hợp, một DN không phải “sống thực vật” cũng được hưởng chính sách lãi suất thấp so với thị trường. Do đó, chỉ tiêu này có thể xác định một DN “khỏe mạnh” trở thành một DN “sống thực vật”; Thứ hai, có những giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh tế, các DN “sống thực vật” không được hỗ trợ mà cũng phải chịu mức lãi suất hiện hành. Do đó, theo tiêu chí trên thì DN “sống thực vật” lại trở thành một DN không phải “sống thực vật”.

Hai trường hợp trên được kiểm chứng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản. Do đó, Fukuda and Nakamura (2011) đã dựa vào nghiên cứu của Caballero et al. (2008) để phát triển và bổ sung thêm tiêu chí xác định DN “sống thực vật”. Theo đó, tiêu chí thứ nhất là khả năng sinh lợi của DN. Theo tiêu chí này thì các DN có thể trả với lãi suất thấp hơn mức lãi suất rủi ro giả định nhưng có lợi nhuận trước thuế dương thì sẽ không được xếp vào DN “sống thực vật”.

Tiêu chí thứ hai là tiêu chí cho vay mãi mãi, tiêu chí cho biết các DN không có lợi nhuận, các khoản vay cao và vay nợ bên ngoài tăng lên sẽ được xác định là các DN “sống thực vật”. Theo đó, các DN này sẽ có thu nhập trước thuế thấp hơn khoản vay với lãi suất rủi ro giả định trong giai đoạn t; tổng số nợ bên ngoài vượt quá một nửa so với vốn chủ sở hữu trong giai đoạn t – 1 và tổng vay tăng lên trong giai đoạn t thì được gọi là các DN “sống thực vật” trong giai đoạn t.

Tóm lại, tiêu chí để xác định DN “sống thực vật” gồm: (1) Các DN mắc nợ, không có khả năng trả nợ; (2) Sống phụ thuộc vào ngân hàng (hoặc chủ nợ); (3) Hoạt động kinh doanh không có tăng trưởng mặc dù có cơ hội tiếp cận nguồn vốn; (4) Không chấp nhận thất bại và luôn ảo tưởng về “tinh thần doanh nhân anh hùng”; (5) Xảy ra chủ yếu ở các công ty khởi nghiệp.

Đặc điểm của doanh nghiệp “sống thực vật”

Theo các nhà nghiên cứu, DN “sống thực vật” tronga doanh nghiệp “sống thực vật” nền kinh tế thường có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, năng suất thấp của DN “sống thực vật” làm giảm năng suất của các DN khoẻ mạnh trong ngành.

DN “sống thực vật” có hiệu quả sản xuất và sản lượng thấp, cộng với tình trạng thua lỗ kéo dài hoặc mất khả năng thanh toán (Jiang et al., 2017). Các DN “sống thực vật” chủ yếu được xác định thông qua các tiêu chí liên quan đến vấn đề về khả năng thanh toán các khoản nợ và chỉ tiêu lợi nhuận qua các năm. Bản chất của DN này là những DN thuộc trường hợp thua lỗ kéo dài qua nhiều năm, tỷ lệ vay nợ lớn hơn 50% so với vốn chủ sở hữu và thậm chí mất khả năng thanh toán nhưng vẫn được tồn tại trên thị trường. Việc hoạt động kém hiệu quả của các DN “sống thực vật” làm ảnh hưởng đến cơ hội tăng trưởng khi mà mất đi cơ hội vay vốn ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục hưởng những khoản vay của ngân hàng mặc dù làm ăn thua lỗ.

Trong hoạt động kinh doanh, DN cần hoàn thành các nhiệm vụ: Sản xuất ra sản phẩm có chất lượng biến hàng tồn kho của họ thành dòng tiền để tiếp tục sản xuất, đổi mới và liên tục tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, các DN “sống thực vật” có hiệu quả hoạt động thấp và chịu thua lỗ trong thời gian dài nhưng vẫn tồn tại vì các khoản trợ cấp từ Chính phủ. Mặc dù, được hỗ trợ các nguồn lực bên ngoài nhưng các DN này lại không cải thiện được năng suất. Do vậy, việc trợ cấp từ Chính phủ chỉ nhằm mục đích đảm bảo sự tồn tại của DN mà không làm thay đổi giá trị của DN đó. Có nhiều quan điểm cho rằng, việc hỗ trợ cho các DN “sống thực vật” sẽ có thể dẫn đến việc phân bổ sai nguồn vốn, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp khỏe mạnh và làm giảm việc làm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn tham gia vào việc cho các DN “sống thực vật” vay vốn. Để trả lời câu hỏi này, Jaskowski (2015) đã phân tích mô hình và chỉ ra mục đích hỗ trợ của ngân hàng đối với các DN “sống thực vật”. Trong nhiều trường hợp, việc hỗ trợ cho các DN “sống thực vật” lại là một chiến lược tối ưu cho các ngân hàng nhằm làm tăng các khoản vay cũng như giảm thiểu rủi ro từ việc các DN phá sản.

Thứ ba, hoạt động không hiệu quả, có thể xoay xở trả lãi vay nhưng không thể trả nợ gốc.

DN “sống thực vật” hoạt động không hiệu quả, có thể xoay xở trả khoản lãi vay, nhưng không thể trả nợ gốc (Jiang et al., 2017). Đây là đặc điểm chính gây ra tình trạng “sống dở, chết dở” của các DN “sống thực vật”. Lợi nhuận mang lại từ hoạt động kinh doanh của DN này chỉ đủ để trả các khoản lãi vay, mà không thể trả nợ gốc, cũng như không đủ vốn để tái đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh/sản xuất hay vực dậy công ty. Các DN này không đủ nguồn lực tài chính để tái cấu trúc và tạo ra lợi nhuận. Do vậy, các DN “sống thực vật” luôn ở trong tình trạng chưa đến mức bị phá sản nhưng cũng không đủ nguồn lực để tăng trưởng, làm ăn có lãi (Jiang et al., 2017).

Các yếu tố giúp nhận diện doanh nghiệp “sống thực vật”

Về lý thuyết, có nhiều yếu tố có thể giúp nhận diện sự tồn tại của các DN “sống thực vật” trong nền kinh tế. Theo đó, các DN “sống thực vật” không phải tự khi sinh ra đã như thế, mà đó là một quá trình làm hoạt động thiếu hiệu quả nên dẫn đến làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đến mức khó có khả năng trả được nợ. Yếu tố giúp nhận biết một DN có phải là một DN “sống thực vật” hay không chính là DN làm ăn thua lỗ dài hạn, không có khả năng chi trả các khoản nợ và tồn tại nhờ sự tiếp vốn, “hỗ trợ tài chính” từ các ngân hàng hoặc từ ngân sách nhà nước.

Các DN “sống thực vật” gánh những khoản nợ rất lớn và khả năng trả được nợ là rất thấp, do đó, để giúp những DN này tồn tại thì phải được “bơm tiền”... Ngoài ra, để nhận biết về một DN “sống thực vật” còn dựa trên sự đánh giá các chỉ số như Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), khả năng thanh toán lãi vay, tỷ lệ đòn bẩy tài chính và chỉ số quay vòng các khoản phải thu của các năm với nhau.

Ảnh hưởng của những doanh nghiệp “sống thực vật” tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

Thực trạng doanh nghiệp “sống thực vật” tại Việt Nam

Tuy đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua, song theo các thống kê sơ bộ, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các DN “sống thực vật”. Nhận định này được thể hiện qua một số dấu hiệu như: Số lượng DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng nhanh hoặc việc Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng đối với một số ngân hàng thương mại, vốn được coi là một minh chứng khá rõ cho thấy các chính sách hỗ trợ đối với các DN “sống thực vật” như đã đề cập ở trên.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, DNNN thường tồn tại khá nhiều DN “sống thực vật”, theo kiểu “sống dở, chết cũng dở”. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2012-2016, hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục có xu hướng giảm sút, thể hiện rõ qua chỉ tiêu ROE giảm 39%, ROA giảm 30%. Trong cấu trúc tài sản của DNNN, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp, đồng thời tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần.

Ảnh hưởng của những doanh nghiệp “sống thực vật” tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 3

Ở một số tỉnh, thành phố lớn, điển hình như Thanh Hóa, trong tổng số 9.200 DN đăng ký kinh doanh thì chỉ có gần 7.500 DN còn hoạt động, trong đó gồm 70% phát sinh doanh thu và chưa đến 60% trong số này có lãi, nhiều DN khác đang ở tình trạng chờ giải thể, tuyên bố phá sản. Bên cạnh đó, một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng của DNNN “sống thực vật” đang chiếm một nửa số tín dụng và có nhiều khoản nợ xấu nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi của hệ thống ngân hàng. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, việc tái cơ cấu các DNNN để giải bài toán xử lý các DN “sống thực vật” trong nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế hiện đang là bài toán nan giải nhất đối với các quốc gia phát triển như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước đang phát triển như Việt Nam…

Tại Việt Nam, việc xử lý các doanh nghiệp "sống thực vật" khó khăn hơn so với các quốc gia khác bởi những lo ngại về rủi ro tác động đến kinh tế vĩ mô và đời sống người lao động. Những xu thế và rủi ro của doanh nghiệp “sống thực vật” thông qua dấu hiệu như: Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, hoạt động của các tổ chức tín dụng không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính…

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, có rất nhiều nguyên nhân tạo ra DN “sống thực vật” ở Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó có thể điểm qua một số nguyên nhân sau: Mức lãi suất thấp được duy trì trên thị trường cùng với các khoản tín dụng ưu đãi của ngân hàng tập trung vào các DN làm ăn không hiệu quả, những DN có số nợ lớn (do đã đổ quá nhiều vốn đầu tư vào bất động sản và chứng khoán trước kia)… Những DN này đều có đặc điểm, dù sản xuất kinh doanh không hiệu quả, số tiền nợ cao hơn vốn chủ sở hữu, nhưng nhờ một số yếu tố thuận lợi từ bên ngoài mà chưa bị buộc phải phá sản nhưng cũng không còn đủ nguồn lực để phát triển…

Trước sự hình thành và phát triển của các DN “sống thực vật" bước đầu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm vừa khuyến khích sự phát triển của các DN làm ăn có hiệu quả, đồng thời có giải pháp hạn chế hoặc xử lý đối với các DN không làm ăn hiệu quả này, dần tiến tới trong sạch hoá, lành mạnh hoá nền kinh tế.

Tuy nhiên, những xu thế và rủi ro của DN “sống thực vật” thông qua dấu hiệu như: Hoạt động của DNNN không hiệu quả, hoạt động của các tổ chức tín dụng không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính… đang trở thành một yêu cầu cấp thiết và có tính thời sự đối với Việt Nam.

Ảnh hưởng của doanh nghiệp “sống thực vật” đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ảnh hưởng tích cực

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đối với các DN “sống thực vật” có lẽ lợi ích duy nhất là việc góp phần hạn chế sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế. Cùng với lợi ích thì một rủi ro luôn song hành, đó là nếu các DN “sống thực vật” không nhận được cứu trợ và bị phá sản hàng loạt, thì tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng vọt bởi một số lượng lớn người lao động làm việc trong các công ty này bị mất việc làm.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở Việt Nam thường vào khoảng 2,17% - 2,43%. Đây được coi là kết quả khá ấn tượng của Chính phủ và cộng đồng DN trong nỗ lực giảm sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp. Qua Hình 1, có thể thấy, nếu so sánh với các quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gần như ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn trên một giác độ khác, có thể nói, dù các DN "sống thực vật” có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng một số DN lại đóng vai trò quan trọng trong lao động việc làm và có thể được Chính phủ bảo lãnh, hỗ trợ vì các DN này đang sử dụng một số lượng lớn lao động. Nếu các DN này bị phá sản, số lượng người lao động mất việc rất lớn, có thể gây ra một tác động đáng kể đến xã hội và nền kinh tế (tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động, ảnh hưởng đến trật tự xã hội…

Ảnh hưởng tiêu cực

Mặc dù, việc cứu trợ các DN "sống thực vật” giúp kiềm chế tỷ lệ gia tăng của thất nghiệp, nhưng chi phí của những tác động xấu mà các DN "sống thực vật" tạo ra còn lớn hơn lợi ích mang lại.

Nghiên cứu của Ricardo J. Caballero & Takeo Hoshi & Anil K. Kashyap (2008) đã chỉ ra rằng, các DN "sống thực vật" đã làm méo mó thị trường lao động qua việc ảnh hưởng đến tỷ lệ công việc mới được tạo ra và tỷ lệ việc làm mất đi. Ngoài ra, nhà nghiên cứu này cho rằng, DN "sống thực vật" làm giảm tỷ lệ đầu tư và tăng tỷ lệ thất nghiệp của các DN bình thường trong cùng một ngành.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, các DN "sống thực vật" khiến các DN hoạt động bình thường trong cùng lĩnh vực phải chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế; đồng thời, cơ hội vay vốn sẽ cạnh tranh và khó tiếp cận hơn khi mà vốn vay của ngân hàng vẫn được rót vào các DN "sống thực vật".

Nhìn trên phương diện tổng thể, các DN "sống thực vật" sẽ làm suy yếu nền kinh tế vì về lâu dài các DN này không thể sinh lợi, tăng trưởng hay tạo thêm các lợi ích cho chính DN và nền kinh tế. Tại Việt Nam, có không ít ý kiến về việc mạnh dạn cho xử lý, cho phá sản các DN yếu kém, trong đó bao gồm các DN "sống thực vật", và dồn nguồn lực cho các DN khỏe mạnh có điều kiện phát triển nhanh và bền vững.

Kết luận

Thực tế cho thấy, sự tồn tại của các DN "sống thực vật" mang lại những tác động tiêu cực nhiều hơn so với tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung và của nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Do đó, việc xử lý các DN này trở thành yêu cầu mang tính cấp bách và thời sự. Tại Việt Nam, việc xử lý các DN "sống thực vật" khó khăn hơn so với các quốc gia khác bởi những lo ngại về rủi ro tác động đến kinh tế vĩ mô và đời sống người lao động. Thời gian tới, Chính phủ cần sớm nghiên cứu đưa ra những chính sách phù hợp để kiểm soát những tác động tiêu cực của các DN này đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

* Bài viết nằm trong khuôn khổ và được tài trợ bởi Đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019 mã số B2019-TMA-05 của nhóm tác giả.     

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Viết Lợi (2017), Ðẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/33002902-%C3%B0ay-manh-co-cau-lai-doanh-nghiep-nha-nuoc.html;

Caballero, R. J., Hoshi, T. & Kashyap, A. K. (2008), Zombie lending and depressed restructuring in Japan. American Economic Review, 98, 1943-77;

Fukuda, S.-i. & Nakamura, J.-i. (2011), Why Did ‘Zombie’ Firms Recover in Japan? The World Economy, 34, 1124-1137;

Fukuda, S.-i. & Nakamura, J.-i. (2013), What happened to “Zombie” firms in Japan? Reexamination for the lost two decades, Global Journal of Economics, 2(2), 1-18;

Hoshi, T. (2006), Economics of the living dead. The Japanese Economic Review, 57, 30-49;

Jiang, X., Li, S. & Song, X. (2017), The mystery of zombie enterprises – “stiff but deathless”. China Journal of Accounting Research, 10, 341-357;

Kane, E. J. (1987), Dangers of capital forbearance: The case of the FSLIC and “Zombie” S&Ls. Contemporary Economic Policy, 5, 77-83;

McGowan, M. A, Andrews, D and Millot, V. (2017), Confronting the zombies: Policies for productivity revival. OECD Publishing;

Nakamura, J.I. (2017), Japanese Firms during the lost two decades. The Recovery of Zombie Firms and Entrenchment of Reputable Firms, ISBN 978-4-431-55916-0, Springer;

Raphael Lam, Alfred Schipke, Yuyan Tan, and Zhibo Tan (2017), Resolving China’s Zombies: Tackling Debt and Raising Productivity, IMF Working Paper, WP/17/266.